Cải tạo vườn tạp, nhà sạch vườn đẹp

06/10/2024 07:23

Thực hiện cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 28/3/ 2024 và Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 28/6/ 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cải tạo được 2.060,42 ha/11.761 hộ (3.174 hộ người Kinh, 8.577 hộ đồng bào DTTS). Kết quả mang lại không chỉ là nhà sạch vườn đẹp mà còn hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cho mỗi gia đình.

Để người dân hiểu rõ những lợi ích của việc cải tạo vườn tạp, thời gian qua, các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập như cây ăn quả, cây mắc ca.

Đặc biệt, để tất cả các hộ ở vùng đồng bào DTTS có vườn tạp phải thực hiện cải tạo đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đem lại hiệu quả về kinh tế, tạo được cảnh quan sạch, đẹp gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, ngành Nông nghiệp đã phối hợp các địa phương hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cải tạo vườn tạp cho các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện. Trong năm 2024, mỗi huyện, thành phố chỉ đạo cải tạo vườn tạp tại các thôn, làng trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đạt ít nhất 200ha/quý.

Một vườn rau ở xã Hiếu được làm khá bài bản. Ảnh: H.N

 

Theo thống kê, tổng diện tích vườn tạp cần cải tạo trên địa bàn là 3.053,85ha/27.405 hộ (6.063 hộ người Kinh, 21.342 hộ đồng bào DTTS). Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã cải tạo được 2.060,42ha/11.761 hộ (3.174 hộ người Kinh, 8.577 hộ đồng bào DTTS); diện tích chưa cải tạo là 993,43ha/15.644 hộ (2.879 hộ người Kinh, 12.765 hộ đồng bào DTTS). Cơ cấu cây trồng phục vụ cho việc cải tạo chủ yếu là: Sầu riêng, bơ, xoài, dứa, cây có múi, mắc ca, cà phê xứ lạnh, một số loài rau, củ, quả và một số loại cỏ phục vụ chăn nuôi.

Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) có hàng chục héc ta vườn tạp cần cải tạo. Được tuyên truyền, vận động, đến nay, người dân ở thị trấn Măng Đen đã cải tạo được hơn 10ha, số diện tích còn lại dự kiến sẽ cải tạo trong thời gian tới. Ông Đặng Thế Danh- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen cho biết: Số diện tích này trước đây người dân ít quan tâm đầu tư nên hiệu quả kinh tế thấp, thậm chí một số hộ còn bỏ hoang.  Khi được cán bộ thị trấn tuyên truyền và hướng dẫn, người dân trên địa bàn đã hiểu được những lợi ích của cải tạo vườn tạo, không chỉ vườn tược sạch đẹp mà còn mang lại hiệu quả kinh tế gia đình nên tích cực tham gia. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp khá bài bản, làm hàng rào, cống rãnh, chọn những loại cây có giá trị kinh tế.

Người dân thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen cải tạo vườn tạp thành vườn khoai lang Nhật. Ảnh: HN

 

Gia đình ông A ĐRuế (ở thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen) có gần 100 m2 vườn tạp cần được cải tạo. Diện tích này trước đây gia đình ông bỏ trống, cây bụi và cỏ mọc, đôi chỗ có cắm xuống một ít cây mì. Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, ông đã chuyển sang trồng cây bí Nhật. Ông A ĐRuế tâm sự: Từ ngày cải tạo lại, vườn tược trở nên sạch đẹp hơn. Hy vọng vài năm nữa, diện tích cây bí Nhật mới trồng này sẽ cho thu hoạch, gia đình có thêm ít nguồn thu.

Cũng như ở thị trấn Măng Đen, đến nay, các xã trên địa bàn huyện Kon Plông tích cực vận động người dân cải tạo vườn tạp. Theo thống kê tổng diện tích vườn tạp trên địa bàn huyện 155,18ha của 2.027 hộ (27 hộ người Kinh và 2000 hộ đồng bào DTTS). Đến nay, đã có 248 hộ dân (25 hộ người Kinh, 223 hộ đồng bào DTTS) cải tạo được 50,13ha.

Nhìn chung các huyện, thành phố trong tỉnh đã tăng cường đẩy nhanh tiến độ cải tạo vườn tạp. Một số địa phương đã sử dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho người dân thực hiện cải tạo vườn tạp. Ở huyện Đăk Hà, từ chương trình khuyến nông năm 2023,  hỗ trợ cho 8 xã với 12.544 cây ăn quả các loại trồng trên 89,23ha. Huyện Đăk Tô lồng ghép nguồn vốn tiểu dự án 2, dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, nguồn ngân sách huyện, đối ứng của hộ dân và các nguồn huy động hợp pháp khác để tiến hành hỗ trợ cho người dân.

Ông Tưởng Văn Khanh- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết: Đối với dự án liên kết chuỗi, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí cây giống cải tạo vườn tạp nhưng không vượt quá 3 triệu đồng/hộ dân/1 loại cây trồng.

Theo bà Y Hằng- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp và  tuyên truyền, khuyến khích nhân dân vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện để đầu tư chỉnh trang, cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thêm thu nhập từ kinh tế vườn. Ngành tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật cải tạo đất, kỹ thuật trồng chăm sóc đối với các loại cây trồng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức phát động các phong trào cải tạo vườn tạp, “nhà sạch vườn đẹp”, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện dọn dẹp, quy hoạch lại khu vườn gia đình, loại bỏ những cây tạp không có giá trị, bố trí lại các loại cây trồng trong vườn cho hợp lý.   

Hà Nam

Chuyên mục khác