08/06/2022 13:10
Cụ thể như mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi ở thôn Đăk Neang, xã Tu Mơ Rông. Thôn Đăk Neang có 35 hộ với 221 khẩu, 100% hộ đồng bào DTTS, trong đó có 16 hộ nghèo (7 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập; 9 hộ nghèo theo tiêu chí thiếu hụt) chiếm 43,2%. Qua phân tích tình hình thôn có diện tích tự nhiên rộng, phù hợp phát triển chăn nuôi, phù hợp với trình độ canh tác của bà con nên huyện, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con tham gia tổ hợp tác, hỗ trợ nguồn vốn để trồng cỏ gắn với chăn nuôi tại thôn.
Để mô hình phát huy hiệu quả, xã đã hỗ trợ 2 máy làm đất đa năng (trị giá 26,7 triệu đồng); hỗ trợ 125 kg kẽm gai (dài hơn 600m), 95 tấm tole, 10 khung sắt, 350 kg giống cỏ, hỗ trợ 3,5 triệu đồng tiền mặt mua vật tư, thực phẩm phục vụ ngày công lao động. Cán bộ, công chức xã còn tham gia đóng góp 15 ngày công lao động trồng được 2.700m2 cỏ voi và dựng 1 chuồng nuôi nhốt với diện tích khoảng 65m2. Tổng kinh phí để triển khai thực hiện 250 triệu đồng. Qua quá trình tuyên truyền vận động, đã có 32/37 hộ gia đình tham gia thành lập 1 tổ hợp tác chăn nuôi. Cùng với việc hỗ trợ vật liệu, nguồn vốn, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ chăn nuôi bò thả rông sang chăn nuôi có chuồng trại, gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hướng dẫn ủ, xử lý phân để bón cho các loại cây trồng gắn với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn thôn.
Ông Lương Dương Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Tu Mơ Rông cho biết: Sau gần 1 năm triển khai, mô hình này đã từng bước phát huy hiệu quả tích cực. Rõ nhất là nếp nghĩ, cách làm của bà con trong phát triển kinh tế gia đình có nhiều thay đổi.
Một mô hình hiệu quả khác trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS ở huyện Tu Mơ Rông là phát triển diện tích lúa ST25 ở xã Đăk Na. Xã Đăk Na có 240ha đất trồng lúa (lúa nước 160ha, lúa nà rẫy 80ha). Xã Đăk Na có 12 thôn 790 hộ với 3.048 khẩu với thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Riêng đối với cây lúa, trong những năm qua, việc vận động nhân dân canh tác hết diện tích, tăng năng suất, sản lượng nhằm đảm bảo lương thực tại chỗ, không để người dân thiếu đói luôn được Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên việc tăng năng suất bằng việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất khó thực hiện vì người dân quen với tập quán canh tác lâu đời, nếp nghĩ của người dân sản xuất lúa chỉ để ăn chứ chưa nghĩ sản xuất lúa để đem lại thu nhập.
|
Vụ mùa năm 2021, từ việc UBND xã đi tìm giống lúa mới ngắn ngày để thay thế cho một số giống lúa đã bị thoái hóa, dài ngày thì được một công ty giới thiệu giống lúa ST25 (lúa cho ra loại gạo đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 tại Manila - Phillipines). UBND xã chọn 10 hộ để trồng thử nghiệm giống lúa mới cũng theo phương pháp của nhân dân, không dùng phân bón hóa học cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, lúa ST25 cho năng suất tương đương với năng suất lúa nhân dân trồng lâu nay nhưng giá cả bán ra cao hơn gấp đôi. Như vậy, bài toán tăng năng suất lúa cho diện tích lúa không đổi của toàn xã đã có lời giải.
Theo ông Bùi Văn Viên- Chủ tịch UBND xã Đăk Na: Nếu trồng giống lúa ST25 sau khi thu hoạch bà con bán đi và mua lại lúa truyền thống thì nhiều lúa hơn so với trước đây, thời gian cây lúa sinh trưởng và thu hoạch khoảng 120 ngày đã rút ngắn được thời gian canh tác lúa trước đây, không trùng thời vụ với các loại cây trồng khác và đây cũng là cách để tuyên truyền cho nhân dân dễ hiểu từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm mang lại lợi ích thiết thực cho gia đình.
“Thấy được hiệu quả từ giống lúa mới, bà con trên địa bàn xã đã làm theo. Đến nay, ở xã đã có 60 hộ trồng 12 ha giống lúa ST 25. Hiện, diện tích trồng giống lúa này đang phát triển tốt, hy vọng đây là hướng đi hiệu quả giúp bà con giảm nghèo”- ông Viên nói.
Các mô hình trên chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình được các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông triển khai. Nhiều mô hình mới là các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thế mạnh của huyện như nông nghiệp, dược liệu được thành lập trong năm qua và bước đầu phát huy hiệu quả như có 8 hợp tác xã bước đầu có doanh thu, 3 hợp tác xã có kê khai thuế. Cùng với đó là tỷ lệ giảm nghèo đạt trên 8,14%; hộ nghèo là người DTTS giảm còn 2.188 hộ/6.694, chiếm tỷ lệ 32,69% so với tổng số hộ dân. Đây là minh chứng cho hiệu quả bước đầu mà Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” mang lại cho bà con người DTTS ở huyện Tu Mơ Rông.
Phúc Nguyên