Cà phê xứ lạnh tạo động lực cho hộ nghèo phát triển kinh tế

24/01/2018 06:59

Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông là ba huyện vùng Đông Trường Sơn với chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, Giẻ- Triêng sinh sống. Để giúp các hộ dân thoát nghèo, cách đây 4 năm tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh. Nhờ được hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và phân bón, đến nay đã có hơn 4 nghìn hộ nghèo trồng được trên 1.000 ha cà phê chè Arabica hứa hẹn giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo bền vững.

Cách đây hơn 3 năm anh A Thương, làng Đăk Liu, xã Hiếu, huyện Kon Plông không nghĩ gia đình mình có thể trồng được cây cà phê xứ lạnh Arabica. Lý do vì nhà nghèo không có tiền mua cây giống, phân bón lại không biết gì về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Năm 2015 được chính quyền xã vận động tham gia trồng cây cà phê xứ lạnh, ban đầu anh rất nghi ngại. Thế nhưng nhờ thường xuyên được cán bộ kỹ thuật động viên, tận tình hướng dẫn từ khâu đào hố, bón phân đến phòng bệnh nên cà phê ngày càng xanh tốt khiến anh yên lòng. Anh A Thương phấn khởi, vụ vừa qua 3 sào cà phê của gia đình đã cho thu bói. Hái đợt đầu, bán ngay tại rẫy, anh đã thu được 3 triệu đồng.

Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh Arabica của tỉnh Kon Tum được thực hiện trong 7 năm, từ 2014 đến năm 2020. Các hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng, Giẻ - Triêng từ xã Đăk Blô, Đăk Man… huyện Đăk Glei đến Măng Ri, Ngọc Lây… huyện Tu Mơ Rông và trải dài qua Pờ Ê, xã Hiếu… của huyện Kon Plông được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, kỹ thuật và thuốc bảo vệ thực vật 3 năm đầu với định mức mỗi hộ từ 1.000 đến 5.000m2. Vượt qua bỡ ngỡ, khó khăn và cả tự ti, mặc cảm ban đầu, được sự động viên, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền, cán bộ kỹ thuật, người dân ngày càng tự tin tham gia Đề án.

Ông Trương Ngọc Tuyền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông phấn khởi: “Ý thức của bà con trong việc phát triển cà phê đối với những năm đầu triển khai tương đối khó khăn. Tuy nhiên đến năm 2015, đặc biệt 2016 khi cây cà phê đã cho thu hoạch thì người dân nhận thức rất sâu sắc về hiệu quả của cây cà phê mang lại. Người dân đã có được ý thức và có trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc cà phê cho nên diện tích của năm sau luôn tăng hơn so với năm trước. Đặc biệt công tác chăm sóc vườn cà phê của bà con cũng có rất nhiều tiến bộ. Nhờ vậy cây cà phê ở trên địa bàn sinh trưởng phát triển tốt”.

Đến nay sau 4 năm triển khai, đã có 4.108 hộ nghèo ở ba huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông trồng được hơn 1.000ha cà phê xứ lạnh. Trong đó, huyện Đăk Glei hơn 340ha, huyện Tu Mơ Rông 630ha và huyện Kon Plông trên 230ha. Thực tế cho thấy cây cà phê xứ lạnh Arabica rất phù hợp với vùng đất có độ cao từ 1.000 đến khoảng 2.000m nên tỷ lệ sống đạt trên 95% và sinh trưởng phát triển tốt. Vụ cà phê vừa qua, 130 ha cà phê chè 4 năm tuổi đã cho thu hoạch với năng suất trung bình mỗi ha từ 10- 12 tấn quả tươi; trên 230 ha trồng năm thứ ba, cho thu bói với năng suất từ 5- 7 tấn một ha.

Vườn cà phê Arabica ở huyện Kon Plông phát triển tốt

 

Ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, trong năm nay các địa phương sẽ trồng mới trên 500ha hoàn thành mục tiêu Đề án đặt ra là giúp 4.570 hộ nghèo và cận nghèo trồng được 1.600ha cà phê. Bên cạnh đó việc hình thành các tổ hợp tác và xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao giá trị cây cà phê xứ lạnh Arabica của tỉnh cũng đã được tính tới.

 “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đẩy mạnh việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ. Hình thành chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng của cây cà phê. Đến nay đã hình thành được vùng cà phê chè cũng khá lớn rồi. Phải xây dựng được thương hiệu cà phê chè vùng Đông Trường Sơn để nâng cao giá trị của cây cà phê”. Ông Trần Văn Chương nhấn mạnh.

Cùng với việc giúp hộ nghèo, cận nghèo ở ba huyện vùng Đông Trường Sơn của tỉnh là Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông trồng được cây cà phê xứ lạnh Arabica giá trị kinh tế cao gấp đôi so với cà phê Robusta, tỉnh Kon Tum cũng đang dần hình thành được vùng chuyên canh loại cà phê này với diện tích hiện có khoảng 3.000ha. Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh được triển khai thực hiện hiệu qủa là bước khởi đầu quan trọng hứa hẹn giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số Xơ Đăng, Giẻ- Triêng thoát nghèo bền vững./.

          Bài, ảnh: Khoa Điềm

Chuyên mục khác