Cá chết bất thường trên lòng hồ thủy điện Plei Krông: Do thiếu ô xy nghiêm trọng, không do độc tố

21/07/2017 07:42

Chiều 20/7, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo chính thức gửi UBND tỉnh về kết quả quan trắc chất lượng nước khu vực lòng hồ Plei Krông và nước thải của nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên - Đăk Hà (huyện Đăk Hà).

Theo đó, tại Báo cáo số 366/BC-STNMT, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định nguồn nước thải của nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên- Đăk Hà (được phép xả vào nguồn tiếp nhận là lòng hồ Plei Krông) không gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng nguồn tiếp nhận nên không là nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết bất thường tại lòng hồ thủy điện Plei Krông trong các ngày 11-12/7.

Theo báo cáo, kết quả phân tích mẫu nước thải của nhà máy cho thấy các thông số đặc trưng đều đạt chuẩn A của QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp). Đặc biệt, thông số môi trường đặc trưng nhất và có độc tính cao trong nước thải của các nhà máy là Xyanua (CN-) thì có nồng độ thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép. Bên cạnh đó, nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà thực hiện xả thải đúng vị trí, lưu lượng, quy chuẩn xả theo Giấy phép xả nước thải đã được UBND tỉnh cấp.

Về chất lượng nước ở hồ thủy điện, kết quả phân tích cho thấy nguồn nước đục, nồng độ ôxy hòa tan trong nước hồ rất thấp và giảm theo độ sâu mực nước. Nồng độ chất hữu cơ (thể hiện qua chỉ số BOD5 và COD) và Amoni (NH4+) trong nước khá cao, hầu hết các vị trí quan trắc đều vượt giới hạn quy định theo cột A2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt). Riêng thông số Amoni tại nhiều vị trí quan trắc vượt giới hạn quy định theo cột B2 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Căn cứ vào kết quả phân tích, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận định, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết bất thường là nguồn nước bị thiếu hụt ôxy nghiêm trọng, không đủ cung cấp cho nhu cầu hô hấp của cá chứ không phải do nhiễm độc tố trong nước.

Trước đó, như Báo Kon Tum đã phản ánh, trong các ngày 11-12/7, đã xảy ra hiện tượng cá lồng bè nuôi trên lòng hồ thủy điện Plei Krông (địa phận huyện Đăk Hà) chết hàng loạt một cách bất thường, gây thiệt hại nặng cho 6 hộ gia đình.

Thực hiện chỉ đạo khẩn của đồng chí Nguyễn Đức Tuy– Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong 2 ngày 12-13/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lấy mẫu quan trắc nguồn nước lòng hồ Plei Krông (8 mẫu tại 4 vị trí) và nguồn xả thải của Nhà máy tinh bột sắn Tây Nguyên- Đăk Hà (1 mẫu tại điểm xả).

Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Lê Quang Trưởng- Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc phân tích được tiến hành độc lập, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, với các mẫu nước lấy tại hiện trường đã niêm phong. Trung tâm thực hiện đo tại hiện trường 2 thông số pH và DO; phân tích trong phòng thí nghiệm đối với các thông số TSS, COD, BOD5 (200C), NH4+-N, NO2- - N, NO3- - N, tổng N, tổng P. Riêng với thông số quan trọng nhất là nồng độ CN- (Xyanua) do Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ (thành phố Đà Nẵng) phân tích.

Thành Hưng

Chuyên mục khác