Bước tiến trong phát triển thương mại, dịch vụ

23/09/2022 06:05

Từ năm 2002 đến nay, khu vực thương mại, dịch vụ tỉnh ta có những bước chuyển biến và tăng trưởng tương đối nhanh so với các khu vực kinh tế khác của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 25.065 tỷ đồng, tăng khoảng 37 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân 20 năm qua đạt khoảng 20%/năm. Tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh tăng từ 36,3% (năm 2002) lên 42,62% (năm 2021).

Sự chuyển biến rõ nét nhất trước hết phải kể đến hoạt động kinh doanh thương mại với hạ tầng phát triển rộng khắp; hệ thống siêu thị, chợ, trung tâm thương mại được phân bố khá hợp lý, phát huy hiệu quả.

Nếu như năm 2002, toàn tỉnh chỉ có 6 chợ truyền thống thì đến nay, đã có 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 32 chợ dân sinh. Mạng lưới kinh doanh mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Hoạt động xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 6,1 triệu USD (năm 2002) lên 290,5 triệu USD (năm 2021), tăng gấp 47,6 lần. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh gồm các sản phẩm nông nghiệp như cao su, cà phê, mì và các sản phẩm công nghiệp như dây thun khoanh, bàn ghế gỗ các loại, tinh bột sắn...

Thương mại biên giới có những chuyển biến đáng kể. Ảnh: TH

 

Nếu như trước đây, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc và một vài nước trong khu vực ASEAN thì trong những năm gần đây liên tục được mở rộng sang các nước như Anh, Hàn Quốc, Hồng Kông, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Thụy Điển… Kim ngạch nhập khẩu của tỉnh không lớn, nhưng tăng trưởng bình quân khá.

Hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tổ chức kết nối giao thương giữa nhà sản xuất trong tỉnh với người tiêu dùng trong nước và với các nước trong khu vực tam giác phát triển CLV (Campuchia - Lào - Việt Nam) được đẩy mạnh. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, xây dựng và bảo hộ thương hiệu cũng được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Song song với hoạt động thương mại, thời gian qua, lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch có những bước chuyển biến và phát triển rõ nét. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư hoàn thiện với 153 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 2.183 phòng hiện có.

Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, nhất là việc tổ chức thành công Tuần Văn hoá - Du lịch tỉnh Kon Tum định kỳ 2 lần/năm; khai thác và phát huy các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá - tôn giáo, du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch giúp thu hút khách du lịch đến với Kon Tum.

Riêng 8 tháng năm 2022, tỉnh ta đã tổ chức tốt nhiều hoạt động phục hồi và kích cầu du lịch gây ấn tượng trong lòng du khách như Diễn đàn Du lịch Kon Tum “Tiềm năng và Triển vọng” và Hội nghị “bàn về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022”.

Hệ thống hạ tầng thương mại ngày càng phát triển, nhất là hệ thống hiện đại. Ảnh: TH

 

Qua đó, đã thu hút được khoảng 930.000 lượt du khách đến với Kon Tum, tăng gấp 3,67 lần so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu ước đạt 235,5 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải của tỉnh cũng từng bước được mở rộng với 65 tuyến liên tỉnh, 5 tuyến nội tỉnh và 5 tuyến liên vận quốc tế Việt- Lào hiện có. Hoạt động tài chính, ngân hàng cũng có sự tăng trưởng mạnh với tổng nguồn vốn huy động tăng gần 6 lần trong 10 năm qua.

Có thể nói, với những giải pháp đồng bộ, khai thác hiệu quả các lợi thế và nguồn lực, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ; sản phẩm hàng hóa và các loại hình dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Thương mại, dịch vụ đang từng bước giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Việc đầu tư phát triển lĩnh vực này được xem là một trong những giải pháp tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tỉnh ta phấn đấu, đảm bảo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021- 2025 của ngành thương mại, dịch vụ vào khoảng 9,91%/năm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 10%/năm trở lên; đến năm 2025, đưa tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ lên 45-46% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. 

Thùy Hương

Chuyên mục khác