Bước chuyển biến tích cực của kinh tế tập thể

02/01/2025 13:03

Phát triển kinh tế hợp tác là một trong những điểm sáng rõ nét của tỉnh trong những năm qua. Đặc biệt, các HTX trên địa bàn đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đã thực hiện hiệu quả liên doanh, liên kết trong sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và HTX.

Xác định vai trò quan trọng của HTX trong xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên, người dân, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương các cấp luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác.

Trong năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới được 42 HTX và 26 THT, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 322 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 304 THT với 10.994 thành viên HTX và 2.708 thành viên THT. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, vận tải và thương mại du lịch. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có số lượng HTX phát triển mạnh nhất có 229 HTX, với 3.422 thành viên. Tổng nguồn vốn của HTX là 290 tỷ đồng, doanh thu bình quân khoảng 1.305 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 290 triệu đồng/HTX và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 50 triệu đồng.

HTX trên địa bàn giúp người dân có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Ảnh: PN

 

Điều đáng mừng là đã xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với các ngành hàng chủ lực của tỉnh như cà phê, dược liệu, rau hoa. Như ở ngành hàng cà phê có  HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Sáu Nhung, HTX Công bằng Pô Cô, HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Thế hệ mới Đak Mar (huyện Đăk Hà). Các đơn vị này đã liên kết các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê và đã có nhiều sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn và được thị trường đánh giá cao. 

Ở ngành hàng dược liệu có HTX Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông,  HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biên dược liệu An Thành (huyện Tu Mơ Rông), HTX Thương mại và dịch vụ Đăk Glei (huyện Đăk Glei) đã liên kết với các hộ dân để phát triển vùng nguyên liệu xây dựng các sản phẩm OCOP.

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh- Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, dần trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các HTX đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác giữa các cơ sở sản xuất với nhau thông qua các dịch vụ cho các hộ nông dân là thành viên và không phải là thành viên. Đặc biệt, HTX đã góp phần phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các thành viên, người lao động trong HTX đã mạnh dạn thay đổi tư duy để sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường. Một số HTX đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết mở rộng thị trường, quy mô hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập các thành viên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn được huyện Tu Mơ Rông tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ảnh: PN

 

Ở huyện vùng khó Tu Mơ Rông, đến nay, toàn huyện đã có 36 HTX, các HTX đã và đang có nhiều đóng góp tích cực vào việc thay đổi tư duy, nếp nghĩ cách làm và tạo việc làm ổn định, nâng cao thu  nhập cho đồng bào các DTTS trong huyện.

Đơn cử như HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (xã Đăk Rơ Ông) là một trong những HTX hoạt động khá hiệu quả trên địa bàn. HTX là một trong những HTX có nhiều sản phẩm OCOP, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động và cho 30 lao động thời vụ người đồng bào DTTS với thu nhập của mỗi lao động từ 160.000-300.000 đồng/ngày.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Cù Thị Hồng Nhung - Quản lý của HTX Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành cho biết: Quá trình hình thành HTX, chúng tôi có sự song hành và giúp đỡ nhiệt tình của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đặc biệt, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền xã, từ đó, giúp chúng tôi tự tin để tiếp tục đầu tư và phát triển thêm các sản phẩm mang đặc hữu của địa phương. Điều chúng tôi mừng nhất là đã giúp bà con có việc làm ổn định, yên tâm lao động sản xuất, không lo đầu ra của sản phẩm.  

Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Đến nay nhiều HTX trên địa bàn hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương. Các HTX đã từng bước củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác giảm nghèo. Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX.

“Huyện luôn quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để các HTX, tổ hợp tác phát triển. Đặc biệt, khuyến khích người dân liên doanh, liên kết thành lập THT, HTX, xây dựng thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân”- ông Võ Trung Mạnh nói.

Mặc dù chưa được như mong muốn, kỳ vọng, nhưng phải khẳng định, kinh tế hợp tác đã có bước tiến mạnh mẽ và phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của người nông dân trên địa bàn tỉnh.

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác