Bức tranh kinh tế tỉnh năm 2018

01/01/2019 06:30

Năm 2018, trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành; tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế khi nghiên cứu báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh.

Bức tranh kinh tế của tỉnh năm 2018 có nhiều ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, ước tăng 9,28%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 5,31%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,81%, dịch vụ tăng 8,91%. Diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2017 - 2018 đạt 7.102ha bằng 101,2% kế hoạch; diện tích cây trồng vụ mùa đạt 163.085,7ha bằng 102% kế hoạch. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với quy mô 170ha bước đầu cho kết quả khả quan.

 Việc thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” bước đầu đã hình thành một số cánh đồng lớn như: Cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao 30ha tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm 32ha tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà; cánh đồng trồng bắp lấy thân 30ha tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông.

Các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; phát triển cây cà phê xứ lạnh được tiếp tục triển khai có hiệu quả. Hiện nay, diện tích cao su đạt 74.339ha (trong đó trồng mới 78ha). Diện tích cà phê xứ lạnh đã tăng lên 422,9ha với 1.831 hộ tham gia, góp phần nâng tổng diện tích cà phê toàn tỉnh lên 20.613ha.

Phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Ảnh: D.L

 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 11 tháng đầu năm tăng 15,05%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.548.000 triệu đồng vượt kế hoạch 16,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 170 triệu USD. Thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, các mặt hàng thiết yếu không có biến động, tình hình giá cả thị trường ổn định; sức mua của người dân tăng vào những tháng cuối năm. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 28.001 tỷ đồng, tăng 13,9%; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp (dưới 2%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,49 triệu đồng...

Với kết quả đạt được của năm 2018 - năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình kinh tế của tỉnh phát triển đúng hướng trên các lĩnh vực và ngày càng rõ nét hơn. Đó là góc nhìn tổng quan cho thấy những “gam màu sáng” trong “bức tranh kinh tế” mà các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định tại kỳ họp 7, HĐND tỉnh khóa XI diễn ra từ ngày 5-7/12/2018.

Đánh giá kinh tế tỉnh năm 2018, đồng chí Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Tốc độ tăng trưởng của tỉnh năm 2018 là 9,28%, tăng cao nhất so với các năm gần đây (năm 2015 tăng 8,32%, năm 2016 tăng 8,01%, 2017 tăng 9,01%). Chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện và mô hình tăng trưởng đang chuyển dần sang chiều sâu, tạo nền tảng quan trọng để tỉnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tổ chức thành công Hội nghị Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác cùng một số hoạt động bên lề. Qua chuỗi sự kiện này, thương hiệu sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác của tỉnh được nâng tầm, được nhiều du khách biết đến, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển sản phẩm sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác.

Một điểm nhấn quan trọng ghi dấu chiều hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong điều kiện ngày nay mà chúng ta cần quan tâm đó là tình hình sản xuất công nghiệp cũng cho những “tín hiệu vui”, đầy lạc quan.

“Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở sản xuất hoạt động tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển. Công nghiệp khai thác khoáng sản ước đạt 390 tỷ đồng, đạt 105% so với kế hoạch; Công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 4.494 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch; Công nghiệp phân phối điện nước ước đạt 936 tỷ đồng, đạt 110% so với kế hoạch” - đồng chí Lê Ngọc Tuấn cho biết thêm.

Với một góc nhìn khác, có chuyên gia kinh tế cho rằng, thu ngân sách địa phương tăng cao; nợ thuế đang giảm dần cũng là những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Điều đó phản ảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, nợ đọng xây dựng cơ bản được tỉnh xử lý quyết liệt và đạt kết quả tốt. Đến thời điểm hiện tại còn 47,166 tỷ đồng (trong đó phần lớn là số nợ đọng xây dựng cơ bản của huyện Đăk Hà). Một điểm nhấn có tính nguyên tắc của tỉnh là khi các địa phương chưa bố trí xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản thì không được bố trí vốn cho các công trình khởi công mới…

Năm 2019, mục tiêu của tỉnh trong phát triển kinh tế là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh khởi nghiệp.

Các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp sẽ được tỉnh tiếp tục đầu tư tạo động lực mới cho tăng trưởng và giảm nghèo, nhất là các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển. Các vùng kinh tế động lực của tỉnh tiếp tục được tập trung đầu tư…

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, tình hình trong nước, quốc tế thời gian tới còn nhiều biến động, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Vì vậy, các ngành tham mưu cần dự báo đúng môi trường chiến lược, đánh giá đúng tình hình để có những quyết sách phù hợp, từ đó đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

Dương Lê

Chuyên mục khác