Bờ Y xanh

12/06/2017 18:00

​Bằng những chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) tạo điều kiện cho người dân phủ xanh các dãy đồi bằng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu… Vùng biên Bờ Y đang từng ngày đổi thay.

Xanh làng, xanh đồi

Không còn những ngày nóng bức, mùa mưa, các thôn làng, đồi núi ở xã Bờ Y cây cối xanh biếc. Không khí ở đây mát dịu, lòng người dường như cũng rộng mở, dễ gần.

Vào thôn Ngọc Hải, chúng tôi thấy đường bê tông rộng thênh thang, nhà cửa người dân như ở phố thị. Đường làng thanh vắng, trong thôn chủ yếu là người già và trẻ em. Chánh Văn phòng UBND xã Bờ Y - Trần Ngọc Anh bật mí: Ngày mùa, khó gặp chủ hộ lắm. Ở đây, bà con ai cũng quý thời giờ, không xuống đồng thì cũng lên đồi chăm sóc cà phê, cao su…

Băng qua một cánh đồng nhỏ, chúng tôi đến dãy đồi toàn cao su, cà phê xanh bóng mượt. Đầu đường vào khu đồi là cơ sở của chủ trang trại Lương Văn Hạnh. Tưởng ông chủ là lão nông, hóa ra chỉ một thanh niên chưa tới 30 tuổi.

Đang dọn vườn, nghỉ tay, Hạnh tiếp chúng tôi ngay tại tiền sảnh căn biệt thự của mình. Anh kể rằng: Quê ở Thái Bình, theo bố mẹ vào thôn Ngọc Hải lập nghiệp từ năm 1995. Ngày đó, đường sá đi lại khó khăn, học hết lớp 4, anh nghỉ học. Con nhà nông, bỏ sách vở là ra đồng, lên rẫy. Vì vậy, sau khi lập gia đình, anh có trong tay trang trại rộng hơn 3ha đất. Trong trang trại, hiện có 2,4ha cà phê (2ha đi vào kinh doanh), 0,9ha chanh dây mới trồng, 0,1ha ao cá…

Trang trại xanh của Lương Văn Hạnh. Ảnh: V.N

 

Lướt qua trang trại, dọc theo khuôn viên sân nhà, anh trồng thanh long ruột đỏ. Trước sân là vườn chanh dây. Sau và bên hông vườn là cà phê, ao cá và khu nuôi nhốt gia súc dê, bò. Trong trang trại, anh đào ao nuôi cá, lập khu nuôi dê, nuôi bò để vừa kinh doanh, vừa lấy phân bón phục vụ sản xuất. Anh cho biết, năm 2016, trừ chi phí anh còn lãi 250 triệu đồng.

Ở Bờ Y, cây trồng chính giúp người dân nâng cao thu nhập là cà phê, cao su, tiêu và gần đây có thêm cây chanh dây. “Không rõ trong thời gian đến giá chanh dây thế nào, nhưng vừa qua gia đình ông Huyến ở thôn Iệc trồng 6 sào chanh dây thu được 600 triệu đồng/năm từ tiền bán quả. Thu nhập của gia đình em có gì đâu mà kể, chưa là gì so với các lão nông giỏi khác” - Hạnh thật lòng.

Vòng qua làng Iệc, ngược lên hướng cửa khẩu Đăk Côi (Việt Nam) -Kontuynias (Campuchia), chúng tôi đến đỉnh cao một quả đồi trồng toàn tiêu. Giữa trưa, nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí mát lạnh tỏa ra từ vườn tiêu.  

Đứng ở triền đồi, nhìn ngược lên, vườn tiêu cao chới với, sâu hun hút. Trụ tiêu nào cũng cành lá sum sê xanh tốt từ gốc đến ngọn. Chủ vườn tiêu là Nguyễn Văn Hạnh, người vốn ở tỉnh Gia Lai lên làng Iệc đầu tư từ năm 2012. Tham quan vườn, người nhà bảo ông đi vắng. Qua điện thoại, tôi được biết vườn ông hiện có 3.000 trụ tiêu, trong đó 2.000 trụ tiêu đi vào kinh doanh và hiện nay ông đang tiếp tục trồng thêm 2.000 trụ nữa. Mùa tiêu năm nay, ông thu được 5 tấn tiêu khô. Tiêu năm nay hạ giá hơn mọi năm, ông chưa bán.  

Mặc dù vậy, ông Hạnh cho biết trồng tiêu vẫn lãi hơn các cây trồng khác. Ngoài bán hạt, ông còn có nguồn thu không nhỏ từ tiền bán cây giống. “Cây tiêu phù hợp với đất đồi ở Bờ Y và phát triển nhanh hơn tiêu ở Gia Lai. Đất đồi mới đưa vào trồng, không sợ tiêu bị nhiễm bệnh chết cây” - ông tâm sự.

Không rõ thu bao nhiêu, nhưng theo người dân trong vùng, hàng năm ông Hạnh thu trên tỷ đồng từ tiêu.

Không thiếu vai trò cán bộ

Miên man những câu chuyện phát triển kinh tế với các cán bộ ở địa phương, chúng tôi còn được biết ở xã Bờ Y có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số như ông Thao Nhất (người Kà Doong, làng Iệc) có 3ha cao su, 1ha chanh dây thu 400-500 triệu đồng/năm; ông Quách Công Son (dân tộc Mường, làng Bắc Phong) có 15ha cao su, cà phê, tiêu thu nhiều tỷ đồng/năm…

Kinh tế phát triển, khá nhiều hộ gia đình ở xã Bờ Y xây được biệt thự, sắm ô tô. “Ở Bờ Y có khoảng 100 hộ gia đình có ô tô” - một cán bộ khẳng định.

Không chỉ nông dân, nhiều cán bộ ở xã Bờ Y cũng giỏi làm kinh tế. Anh Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Bờ Y cũng là một người giỏi làm kinh tế. Buổi trưa, anh mời tôi ghé lại trang trại dùng cơm với mấy người bạn Lào qua thăm chơi xin cây giống. Trang trại khá rộng, ngoài cà phê, anh còn trồng tre lấy măng, sầu riêng, bơ, nuôi cá…“Chỉ riêng măng, sầu riêng cho gia đình thu 40-50 triệu đồng/năm” - Cường chia sẻ.

Có người nói, cán bộ nào phong trào nấy. Cán bộ giỏi làm kinh tế, người dân được nhờ. Thực tế, ở cơ sở nếu đi tuyên truyền người dân phát triển kinh tế, nếu người cán bộ giỏi làm kinh tế thì khi nói dân dễ tin hơn.

“Chánh Văn phòng UBND xã - Trần Ngọc Anh cũng giỏi làm kinh tế lắm đó” - anh cán bộ huyện đi cùng với tôi nói nhỏ. Hóa ra là vậy, nên khi đến thôn làng nào, tôi cũng thấy người dân đều biết và quý Ngọc Anh.

Theo ông Cường, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho người dân phát triển mạnh cây công nghiệp như cao su, cà phê, tiêu… Điển hình như việc mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống và cho dân vay vốn phát triển cây cao su, cà phê… Chính vì vậy, đến nay, xã Bờ Y phát triển 1.1597ha cao su, 806,25ha cà phê, gần 30ha tiêu… Phần lớn các hộ dân khá và giàu ở địa phương cũng nhờ các cây trồng trên.

Kinh tế phát triển, xã có điều kiện thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Mặc dù không phải là xã điểm, nhưng đến thời điểm này, xã Bờ Y đạt 17/19 tiêu chí. Các tiêu chí khó như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, giao thông nông thôn…, Bờ Y đã đạt. Hiện tại, xã chỉ còn hai tiêu chí chưa đạt và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ đạt nông thôn mới.   

Bờ Y xanh, năng động và đang từng ngày bứt phá. Phải chăng ngoài địa lợi phù hợp với cây công nghiệp, còn có vai trò của những cán bộ đầu tàu trong việc giúp dân phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.

                                                                    Trần Văn Nhiên

Chuyên mục khác