Bò mất giá, khổ người chăn nuôi

11/01/2017 09:07

​Mấy tháng nay, giá bò trên thị trường liên tục giảm, trong đó giảm mạnh nhất là giống bò lai chất lượng cao. Giá bò xuống thấp dẫn đến việc tiêu thụ bò giống và bò thịt đều rất chậm. Tình trạng ế ẩm kéo dài khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Tại xã Sa Bình (huyện Sa Thầy), một trong những địa phương có phong trào nuôi bò rất mạnh thời gian qua, số lượng đàn bò của xã hiện có khoảng 1.600 con. Thế nhưng, nghề nuôi bò ở đây giờ lại gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Thuận – Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết: Do quỹ đất sản xuất  trên địa bàn hạn hẹp nên người dân ở đây rất chú trọng đến phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi bò. 95% số hộ gia đình trên địa bàn xã có nuôi bò, đối với hộ dân của các làng đồng bào DTTS chủ yếu nuôi bò sinh sản và bò thịt giống địa phương, còn đối với các hộ dân người Kinh, người dân chủ yếu nuôi bò lai vỗ béo.

Giá bò xuống thấp, khó tiêu thụ khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: T.H

 

“Những năm qua, chăn nuôi bò đã giúp cải thiện rất nhiều cuộc sống của người dân, không ít gia đình làm giàu cũng nhờ nuôi bò. Tuy nhiên, năm nay giá bò liên tục xuống thấp, nhiều hộ thua lỗ cộng với sức tiêu thụ chậm làm ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người dân, nhất là trong thời điểm năm hết tết đến càng khó khăn hơn.” - ông Thuận chia sẻ.

Không chỉ ở Sa Bình, mà tình trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Người nuôi bò năm nay đều lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười bởi khi mua bò giống thì ở mức giá cao, nhưng nuôi đến khi bán thì giá lại giảm, nên bán thì lỗ mà để thì khổ.

Theo nhiều nông dân, gần một năm nay giá bò có xu hướng chững lại và có dấu hiệu đi xuống, nhưng giá giảm nhanh nhất khoảng từ tháng 7/2016 trở lại đây. So với mức giá hồi đầu năm 2016, giá mỗi con bò giống đã giảm từ 2 – 3 triệu đồng/con; giá bò thịt giảm khoảng 5 - 7 triệu đồng/con (tuỳ trọng lượng).

Ông Nguyễn Ngọc Quyền (thôn Bình Trung, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) – người có thâm niên nuôi bò vỗ béo gần 20 năm nay và được người dân trong xã mệnh danh là “cao thủ” trong nghề, vậy mà ông cũng phải than thở: Năm nay, dân nuôi bò chúng tôi gặp khó đủ đường, vừa bị mất giá, vừa khó tiêu thụ lại bị thương lái o ép.

Ông Quyền bộc bạch: Trước đây một con bò lai xuất chuồng nằm ở mức giá 45 - 47 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ còn khoảng 35 – 40 triệu đồng, sau khi trừ các khoản giống, thức ăn, chi phí phòng bệnh... thì người nông dân chẳng còn lời lãi được là bao. Mọi năm, gần tết thương lái ở khắp nơi đến hỏi mua rộn ràng, nhưng năm nay chỉ lác đác vài người đến xem mà họ cũng không mặn mà như lúc giá đắt. Song, bò vỗ béo đến lứa không thể giữ lâu được vì càng để lâu thì sẽ phải tốn thêm chi phí về thức ăn, công nuôi mà bò thì hết lớn.

Không có lời nhiều, nhưng ông Quyền vẫn còn may mắn, chứ nhiều người dân sau một thời gian vất vả chăn nuôi bò đến khi bán thì hoặc là hoà hoặc phải chịu thua lỗ.

Anh Nguyễn Văn Vượng (xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) chia sẻ: Hồi đầu năm, tôi vay mượn mua được một con bò giống giá 14 triệu đồng, tính nuôi đến cuối năm bán kiếm lời để ăn tết. Ai dè, đến hôm trước, tôi kèo nài mãi người ta mới mua đúng bằng tiền mua giống lúc đầu, thế là cả năm nay nuôi không công.

Nuôi bò được xem là giải pháp tích vốn cho nông dân, với phương pháp nuôi phần lớn là tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và cỏ tươi là chủ yếu. Hình thức chăn nuôi này góp phần giúp nhiều gia đình cải thiện được đời sống kinh tế, vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, giá bò xuống thấp khiến những người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là những người nghèo phải vay tiền đầu tư càng lao đao hơn.

A Sơn (làng Đăk Kia, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum) giãi bày: Đợt trước mình vay vốn hộ nghèo mua được 2 con bò giống, 1 con đã chết do bị bệnh, còn 1 con đã sinh ra bê con rồi. Đợt này đáo hạn ngân hàng, mình tính sẽ bán con bê để trả nợ, thế nhưng vì giá bò xuống thấp quá giờ bán chỉ được  6 – 7 triệu không đủ trả nợ, nếu bán con bò mẹ thì tiếc lắm; mình cũng chưa biết phải tính sao nữa.   

Chưa bao giờ tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tại thành phố Kon Tum lại có nhiều ý kiến của cử tri xin ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ vì giá bò xuống thấp, nông dân bán sẽ bị lỗ nên muốn có thêm thời gian cầm cự chờ giá lên.

Thế nhưng, có một điều lạ là trong khi giá bò thương lái mua thì giảm sâu, còn giá thịt bò bán ngoài chợ vẫn duy trì ở mức ổn định.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn bò hiện có trên địa bàn tỉnh là 68.176 con. Rõ ràng, việc giá bò giảm mạnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người nông dân.

Tuy nhiên, theo những người nuôi chuyên nghiệp, về lâu dài, nuôi bò vẫn cho thu nhập ổn định nếu không chạy theo phong trào, biết chủ động nguồn giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh chu đáo. Mặt khác, hiện nay nuôi bò người dân còn tận dụng được nguồn phân chuồng khá nhiều, sử dụng hay bán đều rất có giá trị, vì vậy người dân nên kiên trì giữ đàn tránh việc bán tháo đến lúc giá lên lại tiếc.

Thiên Hương

Chuyên mục khác