13/03/2017 08:36
Ông Nguyễn Minh Thuận – Chủ tịch UBND xã Sa Bình nói rằng, những năm 2014, 2015 và những tháng đầu năm 2016, thời tiết hạn hán bất thường, dựa vào tình hình thực tế, xã đã hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Với một số hộ không chăn nuôi, xã hướng chuyển đổi diện tích sang trồng mì nhưng với một số hộ không trồng mì mà muốn phát triển theo hướng nuôi bò, xã lại hướng sử dụng diện tích ruộng bị thiếu nước để trồng cỏ.
Thoạt đầu, bà con e ngại không hiệu quả nên dù được định hướng nhưng chưa ai dám làm. “Dù thấy việc trồng lúa bị thất thu nhưng bà con còn rụt rè, chưa dám thử nên phản đối, không ai chịu chuyển đổi. Lúc đấy, chính bản thân tôi và một số cán bộ xã đã làm thử nghiệm. Khi nhìn thấy việc trồng cỏ đem lại hiệu quả hơn, bà con mới chủ động chuyển đổi, làm theo” – ông Thuận cho biết.
Đơn cử như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tịnh ở thôn Bình Trung, thoạt đầu gia đình anh có trồng 1 sào lúa nước. Tuy nhiên, vì diện tích này thường xuyên thiếu nước nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Thời điểm ấy, năm nào thuận lợi, 2 vụ lúa anh thu được khoảng 6-7 tạ lúa tươi; những năm hạn hán, tiền lúa không đủ tiền công. Thấy vậy, khi được định hướng chuyển đổi cây trồng, anh liền chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò.
“Ngày trước nhà tôi nuôi bò nhưng không trồng cỏ nên cứ phải tốn công, tốn sức đi tìm và cắt cỏ. Từ khi chuyển đổi sang trồng cỏ, có nguồn thức ăn cho bò ổn định, tôi vừa đi làm việc nhà nước mà vẫn nuôi được 3 con bò béo tròn. So với trồng lúa, việc trồng cỏ nuôi bò cho thu nhập ổn định hơn rất nhiều” – anh Tịnh cho hay.
Trên địa xã Sa Bình, người dân hay nuôi bò vỗ béo. Khác với bò cỏ, bò vỗ béo không được chăn thả mà nuôi tại chuồng. Mỗi ngày, ngoài các chất dinh dưỡng, 1 con bò ăn từ 25-30kg cỏ. Ngày trước, khi chưa trồng cỏ, người dân nơi đây chỉ nuôi bò vào mùa mưa để dễ kiếm thức ăn, còn vào mùa khô, không có cỏ nên người dân không nuôi dù giá bò vào thời điểm này thường cao.
Như hộ gia đình ông Lê Tấn Phước ở thôn Bình Trung, trước đây nhà ông cũng nuôi bò vỗ béo nhưng lượng thức ăn cho bò không ổn định, chính vì vậy, đàn bò chủ yếu phát triển vào mùa mưa, khi nguồn thức ăn đảm bảo. Nhà chú Phước có trồng 2 sào lúa nước, sau vài đợt hạn hán, thấy diện tích lúa không đem lại hiệu quả, trong khi nuôi bò có giá trị kinh tế cao nên chú đã chuyển từ trồng lúa sang trồng cỏ để nuôi bò. “Có đồng cỏ, việc nuôi bò ổn định gấp mấy lần trồng lúa. Nay tôi cứ nuôi bò quanh năm và thu nhập cũng ổn định hơn nhiều so với trồng lúa” - ông Phước nói.
Thoạt đầu không ai chịu chuyển đổi nhưng sau một thời gian, thấy việc chuyển đổi hợp lý nên người dân đã mạnh dạn làm. Từ vài hộ đến nay trên địa bàn xã đã có hơn 100 hộ chuyển đổi gần 18ha đất ruộng sang trồng cỏ nuôi bò. Ngoài việc trồng cỏ tại đất ruộng, bà con cũng tận dụng đất trong vườn, quanh nhà để trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho bò. Đến nay, trên địa bàn xã phát triển được 1.700 con bò, trong đó có 700 con bò vỗ béo. Mỗi con bò vỗ béo nuôi sau 3 tháng lại xuất chuồng, đem lại thu nhập cao cho người dân.
|
Từ những hiệu quả kinh tế mà người dân thu được, có thể thấy việc chuyển đổi diện tích đất lúa bị thiếu nước sang trồng cỏ là hợp lý và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế.
“Đến nay, diện tích trồng cỏ đã đảm bảo nên trước mắt chúng tôi giữ vững diện tích đó. Dù mở rộng diện tích trồng cỏ, phát triển theo hướng chăn nuôi nhưng xã vẫn đang cân đối phù hợp giữa chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, lương thực tại chỗ. Chúng tôi cũng tránh tình trạng ồ ạt theo một hướng, phòng khi đầu ra không thuận lợi, bà con sẽ khó khăn” – ông Thuận cho hay.
Hoài Tiến