Biến rác thành tài nguyên

13/06/2024 06:07

Tôi có ấn tượng với các dự án, mô hình liên quan đến môi trường, nhất là dự án về xử lý, tái chế rác. Vì vậy, cách đây hơn 8 năm, tôi từng rất vui khi một dự án xử lý và tái chế rác được khởi công xây dựng.

Đó là dự án Nhà máy xử lý và tái chế rác thải của Công ty TNHH Song Nguyên Kon Tum. Được khởi công tháng 12/2015, dự án có tổng kinh phí đầu tư lên tới 1.439 tỷ đồng, công suất xử lý 200 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm.

Đây thật sự là một tin vui, mở ra hướng đi mới đầy hứa hẹn trong bảo vệ môi trường, thay đổi cách ứng xử với rác của dân ta. Trước đến nay, dù ở nông thôn hay phố thị, rác vẫn được tuồn ra… đường. Người ta có thói quen xấu là sạch trong nhà, còn bên ngoài sao cũng được.

Không chỉ thế, nếu được tái chế, rác không còn để vứt, để đốt và chôn lấp, mà sẽ thành tiền, thành tài nguyên phục vụ cho các ngành sản xuất khác.

Ngày khởi công, chủ dự án từng chỉ những xe rác mà nói với tôi rằng: Tiền cả đấy chứ, vậy mà chỉ có thể nhìn đem đổ ra bãi chôn lấp. Khi dự án này đi vào hoạt động sẽ không lãng phí như vậy nữa.

Tôi nghe vậy thì rất mừng. Trước đó khá lâu, khoảng năm 2008-2009, từng có một công trình tái chế rác thải được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 3 tỷ đồng mang tên Xưởng sản xuất phân hữu cơ.

Với công suất ủ 5 tấn rác thải hữu cơ/ngày, cho ra khoảng 300kg – 500 kg phân bón hữu cơ, xưởng được kỳ vọng góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường sống.

Phần lớn chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa được phân loại tại nguồn. Ảnh: HL

 

Nhưng do nhiều nguyên nhân, công trình ý nghĩa này đành “đắp chiếu” chỉ sau 3 năm vận hành, để lại sự tiếc nuối cho những ai quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi dự án mới này đã được chính quyền các cấp và các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể. Điều này cũng cho thấy, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề làm thế nào để giảm áp lực của rác thải lên môi trường sống.

Nhất là thời điểm ấy, bãi rác lớn nhất, “chính quy” nhất tỉnh đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, trong khi lượng rác thải sinh hoạt thu gom hàng ngày ùn ứ tại bãi.

Theo chủ đầu tư, hoạt động của nhà máy được thực hiện theo quy trình: Rác thải sinh hoạt, rác thải không nguy hại khác của các cơ sở y tế, công sở, khu công nghiệp do Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum thu gom về sẽ được tiếp nhận, sau đó đưa vào phân loại.

Rác có thể tái chế, như túi nilon, nhựa chẳng hạn, sẽ được chuyển qua dây chuyền tái chế, cho ra sản phẩm là hạt nhựa. Rác hữu cơ được đưa sang dây chuyền nghiền, trộn sau đó ủ làm phân bón; rác không thể tái sử dụng cũng sẽ được xử lý theo quy trình riêng.

Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Chỉ đi vào hoạt động ít lâu dự án đã có nhiều “điều tiếng” liên quan đến thủ tục đầu tư, bảo vệ môi trường cũng như các sai phạm trong xây dựng.

Cho đến nay dự án vẫn chưa hoàn thiện, khi một số hạng mục như nhà chứa chất thải độc hại, nhà chứa nhận và phân tách rác, nhà bán thành phẩm vẫn chưa xây dựng. Nhiều hạng mục xây dựng sai với giấy phép xây dựng, sai hồ sơ thiết kế và sai vị trí xây dựng.

Cụ thể trong hồ sơ thiết kế, nhà xưởng của nhà máy có diện tích hơn 7.200m2, nhưng lại xây dựng lên đến hơn 7.900m2, còn sai vị trí so với giấy phép xây dựng. Mặt khác, dự án đã chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Thu hút đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác, biến rác thành tài nguyên. Ảnh: H.L

 

Tháng 3/2024, ngành chức năng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét làm rõ khả năng thực hiện dự án theo quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, xem xét các điều kiện để tham mưu UBND tỉnh quyết định chấm dứt hoạt động dự án hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự báo đến năm 2030, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên gấp 1,25 lần so với năm 2019. Đáng lưu ý là phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, mà thu gom lẫn lộn; được xử lý theo hình thức chôn lấp là chủ yếu, trong khi nhiều bãi chôn lấp bị quá tải.

Thực trạng này đòi hỏi tỉnh có giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện của tỉnh để giải quyết tốt bài toán quản lý chất thải nhằm giảm áp lực cho công tác bảo vệ môi trường và hướng đến hoàn thành mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Trong đó, cần quan tâm bố trí quỹ đất xây dựng mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển, khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đi kèm đó là chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Đặc biệt là kêu gọi đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung quy mô cấp huyện, cụm huyện; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến để hạn chế và tiến tới loại bỏ xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.

Mới đây, ngày 4/6, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần nâng cao nhận thức của toàn dân và cơ quan quản lý để chuyển rác thành tài nguyên, kết hợp với kinh tế tuần hoàn.

“Biến rác thành năng lượng mới là giải pháp tốt”- Phó Thủ tướng nói, đề nghị “tuyệt đối không chôn lấp rác”. Bài toán hay nhất, theo Phó Thủ tướng, là rác tại nguồn của người dân phải được phân loại tốt nhất.

Phó Thủ tướng cũng cho hay trong thời gian sớm nhất, các bãi rác đã chôn lấp từ lâu sẽ được xử lý theo phương thức đối tác công – tư, áp dụng công nghệ phù hợp. Đây là dịch vụ công nên sau khi Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành định mức đơn giá thì sẽ chọn được nhà đầu tư tốt nhất.

Kỳ vọng là những chủ trương này sẽ sớm đi vào thực tế! 

Hồng Lam

Chuyên mục khác