05/04/2022 06:06
Chúng ta bước vào năm 2022 với quyết tâm vượt qua khó khăn, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Ngay từ cuối năm 2021, tỉnh ta đã nhận diện những khó khăn, thách thức phải đối mặt và vượt qua trong năm 2021. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút sau 2 năm chiến đấu với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề đến quá trình phục hồi kinh tế; cải thiện tăng trưởng.
Tất nhiên, đi cùng khó khăn, thách thức là cơ hội và thuận lợi. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc sau Tết Nguyên đán tăng cao, nhưng tư duy chống dịch đã khác một cách căn bản; kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên.
Cùng với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, đạt gần 100%, một điều rất quan trọng là người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã không còn hoang mang, lo sợ, bất an trước dịch bệnh. Niềm tin vào sự quản lý, điều hành của chính quyền lên cao; sức mạnh khối đại đoàn kết được củng cố và phát huy.
Ngày 14/1, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đồng chí Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chúng ta bước vào năm 2022 với thuận lợi, cơ hội đan xen khó khăn, thách thức.
Cần xác định khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, nhưng càng trong khó khăn, thách thức, càng phải phát huy đoàn kết, thống nhất và quyết tâm- Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Thực tiễn trong quý I/2022 đã chứng minh bằng sự nỗ lực, quyết tâm, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh đã biến áp lực thành động lực với mục tiêu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển.
|
Tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo động lực đột phá để khôi phục và phát triển kinh tế sớm nhất.
Qua đó, kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc trên các lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện quý I/2022 ước 1.393 tỷ đồng, đạt 49,9% dự toán Trung ương và đạt 34,8% dự toán địa phương giao; trong đó thu nội địa 1.325 tỷ đồng, đạt 35,5% so dự toán địa phương giao.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.870 tỷ đồng, tăng 30,14% so với quý I/2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt 8.493,84 tỷ đồng, tăng 39,79%.
|
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 40,99% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhóm ngành sản xuất và phân phối điện vươn lên là động lực dẫn dắt tăng trưởng, với mức tăng tới 85,58% so với quý I/2021.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của tỉnh, với 5 dự án đầu tư (tổng vốn đăng ký gần 482,5 tỷ đồng) vào tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh như Sun Group, Hùng Nhơn, Công ty CP Him Lam...
Bên cạnh đó, tính đến ngày 20/3, có 95 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tổng vốn điều lệ khoảng 1.169 tỷ đồng), đạt 30,65% kế hoạch, tăng mạnh so với cùng kỳ (66,67%). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng tăng 13,23%, với 77 doanh nghiệp.
Khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động sôi động trở lại. Đặc biệt, từ ngày 15/3, ngay khi Chính phủ có chủ trương mở cửa du lịch, tỉnh ta đã mạnh dạn khởi động lại ngành “kinh tế xanh”, với việc đăng cai tổ chức thành công Liên hoan Diễn xướng Dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III.
|
Về xã hội, các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội đều được triển khai hiệu quả. Ngay trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học vẫn duy trì hoạt động giảng dạy một cách an toàn, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình từng nơi.
Năng lực ứng phó dịch bệnh của ngành Y tế nói riêng, toàn xã hội nói chung đã được cải thiện, với nhiều bài học kinh nghiệm, phương châm phòng chống dịch hiệu quả được đúc rút.
Tuy trong quý I/2022, kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế cũng cho thấy, việc thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng còn lại của năm đang gặp những thách thức lớn.
Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; khẩn trương xây dựng Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3 của Chính phủ.
Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế. Tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, nhất là diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu; có phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Tiếp tục thực thi chính sách phục hồi du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm.
Hồng Lam