Bạt núi mở đường

27/01/2022 06:36

Những con đường phẳng lỳ, uốn lượn như dải lụa men theo những sườn núi, vượt qua những con đèo cho những chuyến xe bon bon đi giữa mùa xuân. Ấy vậy chắc ít ai hiểu để có được con đường xuân đó là cả một sự hy sinh thầm lặng và âm thầm của những kỹ sư, công nhân ngành Giao thông Vận tải. Họ đã lặng lẽ dệt lên những con đường xuân, mang đến bao ước vọng về tương lai tươi sáng.

Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược lên vùng Trường Sơn Đông huyện Kon Plông. Băng qua những cánh rừng thông vi vu gió ngàn, sương mù phủ kín, đi trên con đường mới đang hiện hình, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của đội ngũ công nhân trên công trường Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh. Đến đây mới thấy sự tận tâm của những người đi mở đường. Họ lao động vất vả, cật lực, tất bật tranh thủ thời tiết thuận lợi để “bạt núi mở đường”.

Đầu đông, ở vùng Trường Sơn Đông mây mù dày đặc, mưa phùn lất phất, lạnh thấu da thấu thịt, ấy vậy mà trên công trường Quốc lộ 24 hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng thiết bị cơ giới hiện đại của các đơn vị thi công không quản ngại khó khăn gian khổ tập trung làm phần việc của mình. Không khí làm việc rất hối hả, nhộn nhịp và khẩn trương, tất cả vì mục tiêu sớm hoàn thiện và đưa các công trình vào sử dụng.

Trên công trường Quốc lộ 24

 

Trên công trường, những chiếc xe máy lu, máy múc, máy đào và xe tải vận chuyển chở vật liệu phục vụ thi công nối đuôi nhau, chạy ầm ầm suốt cả ngày lẫn đêm. Ngoài máy móc, dọc toàn tuyến, chúng tôi cũng chứng kiến từng tốp công nhân, kỹ sư cần mẫn làm phần việc của mình... Họ dường như đang quên đi cái lạnh thấu xương, luôn hồ hởi, tập trung cao độ cho công việc. Những công nhân điều khiển máy múc bạt núi, mở đường chót vót trên đỉnh núi. Dù rất nguy hiểm, họ vẫn không quản ngại ngày đêm tận tụy với công việc để hình thành nên con đường mới.

Ông Nguyễn Văn Thanh-Trưởng phòng Kỹ thuật Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Kon Tum cho biết, quá trình triển khai thi công Quốc lộ 24 gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thời tiết rất bất lợi, trong một năm chỉ làm được khoảng 3-4 tháng. Bên cạnh đó, dự án đi qua khu rừng tự nhiên phải xin chuyển đổi mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công Đặc biệt, với hướng tuyến đi của con đường, thì phải đi qua hơn 30 quả đồi lớn nhỏ  nên khối lượng đào đắp trên toàn tuyến khá lớn với khoảng 2 triệu khối, do đó mất rất nhiều thời gian để xẻ núi, mở đường.

Bạt núi mở đường

 

Tại các gói thầu thi công trên địa bàn xã Hiếu, không khí lao động như một đại công trường, nhộn nhịp, hối hả và khẩn trương. Tất cả đang chạy đua với thời gian, tận dụng thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện dự án. Dù quá trình xẻ núi, bạt ta luy gặp không ít khó khăn, mưa gió thất thường nên việc xe di chuyển lên đỉnh núi rất khó, nguy hiểm, trơn trượt nhưng đội ngũ công nhân lái máy, kỹ sư chỉ đạo tại công trường không quản ngại. Bao nhiêu quả đồi, cung đường đèo nguy hiểm được họ âm thầm lặng lẽ đào, múc, hình thành nên những cung đường cho tương lai.

Sẻ chia với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu - Chỉ huy trưởng công trình của Công ty Cổ phần New Sun cho biết: Thời tiết bất lợi, nắng mưa thất thường ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi công, đặc biệt là việc tổ chức thi công bạt những sườn núi, quả đồi rất khó khăn. Bởi sau mỗi trận mưa phải nắng 2-3 ngày thì máy mới lên trên đỉnh đồi thi công được. Đây là công đoạn khó khăn, vất vả và nguy hiểm nhất, bởi nếu không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn trong quá trình thi công.

Thi công cả ban đêm

 

Vừa chỉ đạo lái máy bạt núi trên đỉnh núi bước xuống nền đường, anh Trần Văn Trí - Kỹ sư xây dựng Công ty Cổ phần New Sun cho biết: Trong quá trình bạt núi, cái khó nhất ở đây là tuyến đường có nhiều đoạn đèo dốc quá. Hơn nữa, theo thiết kế để hạn chế các khúc cua, dốc cao nên phải xẻ rất nhiều quả đồi núi, hạ thấp độ cao và giảm bớt những khúc cua để mở mới hoàn toàn hướng tuyến, do đó, khối lượng đào đắp khá lớn, phải bạt từng ngọn núi để hình thành nền đường. Vì vậy, chúng tôi vừa tranh đào đắp nền đường vừa làm ngay hệ thống thoát nước ngang, làm rãnh trên cơ và làm theo kiểu “cuốn chiếu”. 

“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành khối lượng đào đắp, hốt đất lên đến cả triệu khối và đã hình thành nền đường. Nhiều khi tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh thi công, anh em phải ăn nghỉ vội ngay trên đỉnh núi, đỉnh đèo. Cuộc sống ăn ở ngay tại công trường, giữa núi rừng heo hút, mưa rét thấu xương đêm buồn vô kể và lạnh” - kỹ thuật Hà Văn Định tâm sự.

Đi dọc toàn tuyến, đâu đâu chúng tôi cũng chứng kiến cảnh người, máy móc đào xới, xẻ núi, bạt đèo khai thông, mở tuyến khá nhộn nhịp giữa chốn rừng sâu, cheo leo trên đỉnh núi trong cái giá lạnh của khí hậu Kon Plông những ngày cuối năm. Dù vất vả thật nhưng “lính” giao thông vẫn không quản ngại gian khó, họ chỉ ước mong làm sao nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

Từng bước hoàn thiện con đường

 

“Niềm tự hào nhất với chúng tôi là con đường hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện, từ đó giúp kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Hơn nữa, chúng tôi hiểu rõ vai trò quan trọng của giao thông, bởi giao thông luôn đi trước, đón đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Giao thông được mở đến đâu thì kinh tế-xã hội ở đó sẽ phát triển nhanh” - kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Trong không khí Tết đến, Xuân về tràn ngập mọi miền đất nước, thì trên công trường Quốc lộ 24, những người “lính” giao thông đang gắng sức, âm thầm, lặng lẽ dệt những cung đường xuân nối đến vùng dân cư xa xôi, mở đường cho sự phát triển trong tương lai mà tuyến đường đi qua./.

Bài và ảnh: Phúc Nguyên

Chuyên mục khác