11/05/2018 07:13
Chưa bao giờ việc kinh doanh hàng hoá trên Facebook lại sôi động như hiện nay. Mỗi ngày, hẳn mỗi người dùng Facebook đều có thể nhận được hàng trăm quảng cáo bán hàng. Đủ các loại hàng hoá được chào bán trên facebook từ đất đai, đồ nội thất đến hàng mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, dược liệu; từ hàng công ty đến hàng nhà làm... Nói chung là “thượng vàng hạ cám” thứ gì cũng có.
Phải công nhận rằng, kênh bán hàng này đã giúp nhiều người, cơ sở kinh doanh có cơ hội quảng bá rộng rãi hàng hoá, mở rộng khách hàng. Đặc biệt, với một số người thì việc bán hàng qua Facebook giúp họ có thêm thu nhập trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Hình thức đi chợ qua facebook được nhiều người, nhất là chị em phụ nữ lựa chọn bởi sự tiện lợi của chúng. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment xác nhận trên facebook và đợi để nhận hàng.
Quá trình mua bán hàng thường là người mua xem và chọn hàng qua hình ảnh, sau đó liên hệ để người bán gửi hoặc vận chuyển đến tận nơi. Nguyên tắc giao dịch này có ưu điểm là nhanh chóng, giúp người mua tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, điều này lại dễ gặp phải nhiều rủi ro.
|
Trên thực tế, có những Facebook bán hàng thật, nhưng cũng có không ít Facebook chỉ đưa hình ảnh quảng cáo, PR hàng hoá ảo. Sau đó, nếu có khách đặt hàng mới lấy hàng rồi bán lại kiểu trung gian để kiếm lời nên hàng hoá mà người bán chào mời rất khó có thể tin tưởng.
Ví dụ, trường hợp một cô bạn của tôi đăng trên Facebook rao bán nào là mật ong rừng, rượu đinh lăng, sâm Ngọc Linh... ai mua thì nhắn tin hoặc gọi điện cô mới ship tới.
Khi thấy thông tin được đăng lên, tôi hỏi: Hồi giờ tôi có thấy nhà bà có chai mật ong hay củ đinh lăng nào đâu mà bà rao bán vậy? Mà bà có biết củ sâm Ngọc Linh nó ngang dọc thế nào không mà bà dám quảng cáo?
Cô bạn tôi tặc lưỡi bảo: Tôi có người quen người bán mặt hàng này, cứ lấy hình ảnh đăng lên Facebook, khi nào có người đặt mua thì mình đến lấy về ship, kiếm ít tiền chênh lệch thôi. Bây giờ từ quần áo, giày dép, đến mỹ phẩm... cũng thế, người ta đâu cần phải có hàng mới bán đuợc, cứ đăng hình lên rồi ai mua thì đi lấy. Hàng hoá cũng không cần phải đúng y như hình, na ná là được rồi.
Chính vì thế nên không ít người mua hàng thường lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười khi sản phẩm được quảng cáo trên Facebook rất đẹp, ấn tượng nhưng thực tế khi nhận hàng lại khác xa so với hình được đăng trên mạng.
Đặc biệt là hiện nay, Facebook được coi như là “thiên đường” của giới kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Vì hàng hoá bán trên Facebook không bị kiểm tra giám sát, quản lý nên vô cùng bát nháo về chất lượng. Không ít mặt hàng được giới thiệu một đằng bán ra một nẻo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Ví như nhiều mặt hàng được các chủ Facebook rao bán là hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc… nhưng khi giao cho khách hàng hóa lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí còn là hàng giả, hàng nhái, song trên Facebook người bán lại đưa ra thông tin mập mờ như hàng xách tay, hàng nhập độc quyền... Và các món hàng có thể có nhiều mức giá khác nhau, từ đắt một cách phi lý đến rẻ một cách khó tin. Hậu quả là người mua không những bị mất tiền oan mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ bởi sử dụng những hàng hóa không rõ xuất xứ.
Chưa kể Facebook còn là kênh nhiều đối tượng lợi dụng để lừa bán những mặt hàng cấm như pháo lậu, tiền giả hoặc đổi tiền lẻ. Nhất là vào những dịp tết, những mặt hàng này được chào bán khá nhiều. Để mua được hàng, khách luôn phải đặt cọc trước một khoản tiền từ 1/3 – 1/2 giá trị của món hàng cần mua. Một số người vì cần, một số người vì ham lợi nên khi các Facebook rao bán hàng với giá cả ấn tượng đã không ngại ngần chuyển tiền cho người bán. Nhưng không phải ai cũng nhận được hàng hoá đã đặt bởi những Facebook này sau khi đã gom được một lượng khách hàng tương đối, có được một món tiền kha khá thì các chủ hàng lập tức khoá Facebook, chặn điện thoại. Còn người mua hàng thì chẳng biết đường nào mà lần vì mọi giao dịch đều được thực hiện bằng kênh này.
Các chủ Facebook thì luôn biết cách củng cố niềm tin của khách hàng bằng cách đăng tải nhiều lời bình luận ấn tượng, đánh giá cao về sản phẩm của những người mua trước. Và đương nhiên, không phải người nào cũng biết rằng các phản hồi, các bức ảnh chụp tin nhắn các shop đăng tải này là hoàn toàn ngụy tạo. Người bán chỉ cần lập các Facebook giả khác vào comment hay dùng một vài sim rác hoặc số điện thoại của bạn bè, người quen nhắn tin khen ngợi. Thế là nhiều người tin tưởng đặt theo mua hàng...
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc tận dụng ưu thế của mạng xã hội để kinh doanh, mua bán hàng hoá là một điều rất thiết thực. Tuy nhiên, để hạn chế nhưng rủi ro của hình thức mua bán này, mỗi người mua hàng trước hết hãy là người tiêu dùng thông thái, cần tìm hiểu kĩ các thông tin sản phẩm trước khi mua và chọn địa chỉ bán hàng uy tín để tránh tiền mất tật mang. Bên cạnh đó, người bán hàng cũng hãy là những người kinh doanh có tâm, có trách nhiệm để bảo vệ uy tín của chính mình.
Thiên Hương