Bảo vệ tốt rừng biên giới

25/11/2016 09:03

Những năm gần đây, khi giá gỗ trên thị trường tăng lên, một số đối tượng và người dân thường lén lút vào rừng khai thác gỗ trái phép. Việc bảo vệ rừng đòi hỏi các cấp, các ngành cùng vào cuộc, nhưng quan trọng nhất vẫn là chủ rừng...

Khó kiểm soát

Khi thực hiện chuyên mục này, tham gia cùng đoàn công tác tuần tra rừng trên lâm phần Lâm trường Sa Loong (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi) dọc khu vực biên giới, chúng tôi nhận thấy trong rừng có nhiều cây gỗ bị hạ, còn trơ lại gốc.

Theo ông Cao Xuân Diện - kiểm lâm địa bàn xã Đăk Xú, trước yêu cầu đặt ra, từ đầu năm đến nay, kiểm lâm tham mưu chính quyền tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét vào các tiểu khu 168, 170, 171, 172 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi. Theo đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, cất giấu…lâm sản trái phép. Trong thời gian truy quét, các tiểu khu này thường “im hơi lặng tiếng”, nhưng hết các đợt cao điểm truy quét, lâm tặc lại hoạt động.   

Ông Đào Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú bức xúc: UBND xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chủ rừng và các ngành xác định các “điểm nóng”, liên tục mở nhiều đợt tuần tra bảo vệ rừng. Tuy nhiên, khi phát hiện, đoàn tuần tra chỉ thu giữ gỗ tang vật, không bắt được đối tượng.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra bảo vệ rừng biên giới. Ảnh: V.N

 

Trong việc tham gia bảo vệ rừng khu vực biên giới, ngoài trách nhiệm chính là chủ rừng, còn có các đồn Biên phòng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Đồn phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Bờ Y cho biết, trên địa bàn không chỉ có đường tuần tra biên giới, mà có rất nhiều đường mòn ra vào rừng. Trên các tuyến đường này, người dân thường dùng xe máy độ chế để đi lại và vận chuyển lâm sản trái phép. Việc ngăn chặn triệt để các phương tiện này đòi hỏi các cấp, các ngành cùng vào cuộc.   

Không giấu giếm những thiếu sót trong công tác bảo vệ, ông Ngô Tùng Khoa - Giám đốc Lâm trường Sa Loong thừa nhận: Trên lâm phần đường đi lại nhiều, người dân đi làm rẫy thường dùng xe máy độ chế vận chuyển gỗ trái phép. Hơn nữa, cán bộ, nhân viên Lâm trường thiếu công cụ hỗ trợ và đời sống còn khó khăn; các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, sáng sớm, khó kiểm soát.

“Lực lượng của đơn vị mỏng phải trải ra trên chiều dài hơn 40km nên nhiều khi không kịp thời. Khi phát hiện, Lâm trường không được phép bắt giữ người, chỉ phối hợp báo cáo các cơ quan chức năng để xử lý” - Ông Khoa mong được chia sẻ.

Chủ rừng cần vào cuộc quyết liệt

Theo ông Dương Đắc Thế - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, thực hiện Kết luận 04-KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái phép” cùng các chủ trương UBND tỉnh, huyện, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng phát hiện và xử lý 65 vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn.

Các hành vi vi phạm nhiều nhất là vận chuyển, mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật. Tổng khối lượng gỗ trong các vụ vi phạm là trên 450m3 (quy tròn). Số tiền bán lâm sản và tiền phạt các đối tượng vi phạm gần 1,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ vi phạm tăng 51%. Trên lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi xảy ra gần 30% số vụ vi phạm.

Kiểm tra cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn thị trấn Plei Kần. Ảnh: V.N

 

Trước tình trạng vi phạm lâm luật gia tăng, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện thành lập các chốt liên ngành, đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường tuần tra, truy quét ngăn chặn tình trạng vi phạm lâm luật; kiểm soát và yêu cầu các cơ sở chế biến mộc thực hiện đúng những quy định về kinh doanh, chế biến lâm sản. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm huyện phân công cán bộ, công chức chủ động nắm bắt thông tin, tổ chức truy quét các đối tượng vi phạm lâm luật.

Việc đấu tranh với các đối tượng vi phạm được tập trung vào những “điểm nóng” phá rừng ở địa bàn xã Bờ Y, Đăk Xú, Đăk Ang; khai thác lâm sản trái phép ở xã Sa Loong, Đăk Xú, Đăk Nông; vận chuyển lâm sản trái phép dọc tuyến đường biên giới, đường N5, NT18, đường vào Đồn Biên phòng Đăk Xú; cất giữ lâm sản tại xã Đăk Dục, Đăk Xú và thị trấn Plei Kần.

Trợ lực với Hạt Kiểm lâm huyện trong công tác bảo vệ rừng còn có Đội Kiểm lâm cơ động số 2. Ông Nguyễn Kiến Đức- Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động số 2 cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm nay, Đội phối hợp với nhiều cơ quan thực hiện 7 cuộc truy quét.

Dưới góc nhìn của mình, ông Đức cho rằng, lực lượng kiểm lâm tham mưu cho huyện thành lập đoàn kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức truy quét và xử lý nghiêm các vụ vi phạm lâm luật. Tuy nhiên, “quan trọng nhất trong bảo vệ rừng là chủ rừng tích cực lập chốt, tăng cường tuần tra và phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý vi phạm. Nếu chủ rừng không vào cuộc quyết liệt, không phát huy hết trách nhiệm thì khó có thể bảo vệ được tài nguyên rừng”- ông Đức nhấn mạnh. 

                                                                     Văn Nhiên

Chuyên mục khác