Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh

24/10/2017 13:06

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh còn trong giai đoạn mở rộng vườn sâm, chưa đưa sâm ra thị trường thì ở huyện Tu Mơ Rông, Đăk Tô… “sâm Ngọc Linh” lại bày bán nhan nhản. Trước vấn nạn sâm giả, việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh là vấn đề cấp thiết cần được coi trọng.

Trong vai một người đi mua sâm, khi tôi đặt vấn đề mua sâm tại một cơ sở chuyên kinh doanh sâm Ngọc Linh ở thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô), chủ cơ sở đưa cho tôi xem từng loại củ sâm. Tùy theo từng loại sâm, chủ cơ sở ra giá từ 20-30 triệu đồng/kg sâm tươi. Hỏi lấy ở đâu, chủ cơ sở này nói lấy sâm trực tiếp ở hộ đồng bào dân tộc trồng sâm ở Măng Ri. Nhìn bằng mắt thường, củ không có nhiều mắt đốt như thường thấy, nhưng thú thật, tôi không biết đây là sâm thật hay sâm giả.

Trên thực tế, qua làm việc với UBND huyện Tu Mơ Rông, chúng tôi được biết người dân ở xã Ngọc Lây, Tê Xăng cũng trồng được sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, diện tích do dân trồng không nhiều và số hộ có củ sâm bán cũng rất ít.

Công ty Cổ phần Sâm Ngock Linh giới thiệu sâm Ngọc Linh tại Lễ công bố chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh. Ảnh: V.N

 

Có nguồn tin cho hay, một số người còn đưa sâm giả trồng trên núi Ngọc Linh. Bởi vậy, nếu không quản lý tốt nguồn sâm trồng trên núi, nguy cơ sâm giả sâm thật lẫn lộn sẽ làm giảm uy tín sâm Ngọc Linh.

Trăn trở với việc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh, ông Lê Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, cần phải quản lý ngay từ đầu bộ giống và phải đưa ra được bộ tiêu chuẩn sâm giống để quản lý đầu vào cây sâm Ngọc Linh. Trong việc quản lý, chúng ta cần phối hợp với tỉnh Quảng Nam - nơi có cùng chỉ dẫn địa lý để quản lý. Việc quản lý theo hướng truy xuất nguồn gốc sẽ hạn chế được sâm Ngọc Linh giả.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội Sâm Ngọc Linh (Quyết định 358/QĐ-UBND ngày 7/7/2017). Tại Đại mới đây, Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh xây dựng chương trình hoạt động nhiệm kỳ 2017-2020.

Trong Chương trình hoạt động, Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh xác định rõ mục tiêu xây dựng Hội vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn, phát triển danh tiếng, giá trị và thương hiệu sâm Ngọc Linh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Hội Sâm Ngọc Linh tỉnh cũng đặt ra nhiệm vụ vận động hội viên phát triển diện tích sâm trong vùng quy hoạch theo mục tiệu đề ra; tư vấn, hỗ trợ hội viên trồng sâm về lựa chọn cây giống có chứng nhận tiêu chuẩn; áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh ban hành bảo đảm tinh chất, chất lượng sâm củ đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý; kiểm tra kiểm soát nội bộ giữa các hội viên trong việc lựa chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sâm Ngọc Linh theo quy chế quản lý nội bộ của Hội.

Hội còn xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ cho sản phẩm sâm củ mang chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh và nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum của Hội...

Bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh là yêu cầu, là đòi hỏi trước mắt và lâu dài.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác