Bảo vệ thương hiệu “quốc bảo” sâm Ngọc Linh

16/12/2021 06:06

Một lần nữa, tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả lại được đưa ra nghị trường, với phần chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XII. Tin vui là, người đứng đầu UBND tỉnh đã khẳng định quyết tâm và đưa ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt để đấu tranh với vấn nạn này.

Tôi nhớ tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021), bên cạnh những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nạn mua bán sâm Ngọc Linh giả cũng được đưa lên bàn nghị sự.

Tại đây, đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Thị Liên (Tổ đại biểu huyện Tu Mơ Rông) đã bày tỏ lo ngại về nạn buôn bán sâm Ngọc Linh giả, và kiến nghị UBND tỉnh cần xử lý nghiêm tình trạng này.

Tại Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XII (7-9/12/2021), một lần nữa, tình trạng mua bán sâm Ngọc Linh giả lại được đưa ra nghị trường, với phần chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh.

Theo dõi trên báo chí, tôi cho rằng, phần trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn cho thấy rất rõ quyết tâm của tỉnh, thông qua những giải pháp cụ thể, quyết liệt trong đấu tranh với vấn nạn này, cũng như bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin, để bảo vệ giá trị và thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh lập chuyên án xử lý việc mua bán sâm Ngọc Linh giả.

Và cũng rất ấn tượng khi biết, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua sắm hệ thống máy móc thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác phục vụ cho công tác giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả. Hệ thống máy móc này sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2022.

Bên cạnh đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học và Công nghệ; phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý nguồn gốc giống sâm Ngọc Linh; mua, bán sâm Ngọc Linh trên địa bàn.

Như vậy, cuộc chiến để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh, hay dễ hiểu hơn là bảo vệ uy tín và hình ảnh của sâm Ngọc Linh sẽ được triển khai với “3 mũi giáp công”: Xử lý nghiêm để răn đe; nâng cao năng lực giám định chất lượng sâm Ngọc Linh; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước.

Như bao người dân Kon Tum khác, tôi luôn lo lắng bởi giá trị và thương hiệu của sâm Ngọc Linh Kon Tum đang bị xâm hại. Vì vậy, tôi thật sự vui mừng khi tỉnh thể hiện quyết tâm ngăn chặn nạn buôn bán sâm Ngọc Linh giả và tin tưởng những giải pháp cụ thể ấy sẽ đem lại hiệu quả.

Điều đáng buồn là, trong khi chính quyền và ngành chức năng đang tích cực vào cuộc để bảo vệ thương hiệu “quốc bảo” cho Kon Tum, thì có không ít người Kon Tum lại tiếp tay, hoặc trực tiếp buôn bán sâm giả, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh sâm Ngọc Linh.

Một lô sâm Ngọc Linh còn cả lá xanh mướt được rao bán trên mạng, và không ai có thể biết chính xác nguồn gốc, chất lượng. Ảnh: HL

 

Lô sâm Ngọc Linh ''khủng'' cùng giấy kiểm định được rao bán trên mạng. Ảnh: HL

 

Hành vi buôn bán sâm Ngọc Linh giả đặc biệt phổ biến trên các mạng xã hội. Chỉ cần lướt qua facebook, zalo sẽ thấy hình ảnh quảng cáo bán sâm Ngọc Linh đủ các loại, to có, nhỏ có. Người bán nào cũng khẳng định như đinh đóng cột rằng “hàng thật, hàng rừng mới về”.

Trong đó có những củ sâm tự nhiên “khủng, già và đẹp”, dài cả mấy gang tay, uốn lượn nhiều vòng; hoặc những củ sâm còn nguyên lá xanh mướt, dù thực tế, sâm Ngọc Linh đang kỳ ngủ đông, không còn cọng lá nào.

Càng “choáng” hơn khi những người bán sâm Ngọc Linh trên mạng có thể cung cấp với số lượng lớn theo yêu cầu.

“Thích nửa ký, 1 ký hoặc vài ký, thích loại trồng hay rừng; thích có lá hay không có lá đều có thể đáp ứng được”- một người bán sâm ở thành phố Kon Tum quảng cáo trên trang facebook cá nhân ngày 13/12.

Để tăng tính thuyết phục đối với những khách hàng khó tính, một số người bán còn trưng cả giấy chứng nhận “đã kiểm định” của trung tâm kiểm định có chuyên môn và uy tín với quy trình kiểm định nghiêm ngặt.

Nếu không phải tay chơi sâm sành sỏi hoặc dân trong nghề, thì kể cả “mắt thấy, tay rờ”, nói gì đến nhìn hình ảnh qua mạng, và nghe cam kết xanh rờn từ người bán, khách hàng rất dễ xiêu lòng, và rơi vào “bẫy”.

Cũng chính vì tin vào “lá bùa” kiểm định và những lời cam kết của người bán mà không ít người đã ăn phải “quả đắng” khi mua sâm Ngọc Linh trên mạng với số tiền không nhỏ.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên trồng và kinh doanh sâm Ngọc Linh có tiếng nhất ở tỉnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh tự nhiên thì “vô cùng hiếm”, nếu không muốn nói là không có; sâm trồng cũng không bán ra thị trường nhiều, nói gì đến việc cung cấp số lượng lớn “như bán sỉ”.

Ngay cả chủ doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh cũng phải kinh ngạc trước số lượng ''quốc bảo'' lớn như thế này do một người rao bán trên mạng. Ảnh: HL

 

Chính một số người Kon Tum đang tiếp tay, hoặc trực tiếp buôn bán sâm giả, phá hoại uy tín, hình ảnh sâm Ngọc Linh trong mắt nhân dân cả nước- anh Nguyễn Văn Hoàng, một người quen của tôi chua chát nói. Vì tin vào giấy kiểm định, anh đã mất hơn chục triệu vì mua phải tam thất hoang “đội lốt” sâm Ngọc Linh.

Khi nghe anh phàn nàn, tôi cũng đành chịu, không thể giúp gì cho anh, vì người bán cũng là chỗ quen biết, nên không tiện “ra mặt”.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (Hà Nội) ăn ''quả đắng'' vì mua phải sâm Ngọc Linh giả. Ảnh: HL

 

Việc buôn bán sâm Ngọc Linh giả đem lại lợi nhuận “khủng”, nên một số người sẵn sàng đánh lừa người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến giá trị và thương hiệu của sâm Ngọc Linh Kon Tum.

“Tình trạng bán sâm Ngọc Linh giả phổ biến như hiện nay không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng, mà còn làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. Vì vậy, tôi đề nghị ngành chức năng cần có giải pháp quyết liệt”- anh Hoàng kiến nghị.

Theo ý kiến của nhiều người, việc này không quá khó. Vì rao bán công khai trên mạng xã hội, cơ quan chức năng có thể lập vi bằng hình ảnh; kiểm tra đột xuất lấy mẫu kiểm định, nếu phát hiện là giả thì xử lý nghiêm. Tùy tính chất, mức độ để xử lý hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Có như vậy mới hạn chế, tiến tới chấm dứt vấn nạn này.

Bên cạnh đó, cần đưa nội dung kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum vào chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Trong đó làm rõ nguồn gốc sâm Ngọc Linh dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến hiện nay và kiên quyết xử lý các sai phạm (nếu có); thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Một điều nên làm là thu thập thông tin, lập danh sách cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có tham gia hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh sâm Ngọc Linh giả, thông báo đến đơn vị quản lý trực tiếp biết để xử lý theo quy định.

Để bảo vệ hình ảnh, uy tín quốc bảo sâm Ngọc Linh, chỉ quyết tâm và nỗ lực của chính quyền, ngành chức năng là chưa đủ, mà cần ý thức, trách nhiệm và sự chung tay của mỗi người dân Kon Tum.

Hồng Lam

Rất khó để phát hiện và lần tìm theo đường dây mua bán sâm Ngọc Linh giả. Theo thông tin “rỉ tai” trong giới buôn bán sâm, khi có mối, sẽ đặt hàng với một đầu nậu, sau đó “sâm Ngọc Linh” sẽ được chuyển từ phía Bắc vào bằng xe đò, thời gian nhận hàng thường từ 1-2 giờ sáng. Địa điểm giao hàng thường được lựa chọn bất kỳ ở dọc đường và thay đổi liên tục để phòng các lực lượng chức năng theo dõi, phục kích. HL

Chuyên mục khác