Bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác: Không “hô khẩu hiệu” suông

12/03/2017 18:06

​Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Theo đánh giá của chính những người trong cuộc, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bởi phạm vi bảo vệ, tính chất và mức độ ngày càng phức tạp của công tác này...

Báo cáo của Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, thời gian qua, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã tương đối đáp ứng được nhu cầu về vật liệu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép liên tục, kéo dài; xuất hiện nhiều “điểm nóng” như khai thác khoáng sản vàng tại Đăk Long, Đăk Blô (huyện Đăk Glei), Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi), xã Hiếu (huyện Kon Plông) hay khai thác cát, sỏi lòng sông Đăk Bla… cho thấy công tác bảo vệ chưa tốt - ông Lê Văn Tấn - Trưởng phòng Khoáng sản thẳng thắn nhìn nhận.

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn... Ảnh: T.H

 

Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng từ tháng 8/2015 đến hết năm 2016, các huyện, thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng xử lý 105 vụ khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền phạt hơn 1,32 tỷ đồng. Riêng 3 huyện biên giới Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, lực lượng Biên phòng đã phát hiện và xử lý 54 vụ/166 đối tượng vào thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép...

Một cán bộ xã từng nhiều lần tham gia truy quét khai thác cát trái phép đã nhận xét: Trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thường diễn ra ở các khu vực đi lại khó khăn, với quy mô nhỏ, diễn ra trong phạm vi hẹp, hậu quả không lớn, dễ khắc phục. Nhưng nay thì khác, người ta khai thác theo kiểu cơ giới hoá, có sự tham gia của cả người dân tại chỗ và người ngoại tỉnh cho nên có quy mô lớn, diện rộng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác ngăn chặn, giải toả của chính quyền cũng như trong khắc phục hậu quả.

Chuyện khai thác vàng trái phép ở Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi), khai thác cát trái phép trên sông Đăk Bla, hay khai thác đất sét trái phép ở thành phố Kon Tum... vốn đã diễn ra dai dẳng và phức tạp nhiều năm qua. Lẽ dĩ nhiên, đối tượng của hành vi vi phạm pháp luật ấy đều thuộc diện tài nguyên khoáng sản chưa khai thác cần được bảo vệ.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao luôn xuất hiện những “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép, dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực? Phải chăng công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh chưa hiệu quả, còn “hô khẩu hiệu”?

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Chính những người trong cuộc cũng cho rằng, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bởi phạm vi bảo vệ, tính chất và mức độ ngày càng phức tạp của công tác này... Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hợp lý, hiệu quả, tránh “hô khẩu hiệu” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nói chung, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng trong thời gian tới để sớm triển khai thực hiện là hết sức cần thiết.

Trong báo cáo sơ kết thực hiện Quyết định 534/QĐ-UBND của UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh cho triển khai xây dựng lại phương án cho phù hợp với Điều 18, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, trong đó quy định rõ trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin và giải tỏa hoạt động khai thác trái phép giữa các bên có liên quan, xem đây là yếu tố hàng đầu để nâng cao hiệu quả bảo vệ khoáng sản.

UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; kiên quyết xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép có tổ chức, có quy mô lớn và tái phạm; kiểm tra làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã, huyện để có hình thức xử lý, kỉ luật thích đáng, nhất là các địa phương xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép công khai, kéo dài, quy mô lớn; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản để tạo sự chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức và hành động đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; đồng thời, tiếp tục duy trì phản ánh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có thông tin khai thác khoáng sản trái phép, công khai phản hồi thông tin báo chí để tăng cường vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị đầu tư thăm dò khai thác, chế biến sâu khoáng sản tại mỏ có điều kiện địa chất – khai thác mỏ khó khăn; khai thác các khu vực mỏ quặng nghèo; áp dụng công nghệ tiên tiến để thu hồi tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm trong khai thác, chế biến.

Quan trọng hơn, từ thực tế thời gian qua cho thấy, dường như vai trò của UBND cấp xã chưa thực sự nổi bật, nhất là trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn... Vì vậy, để công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thực sự không chỉ là “hô khẩu hiệu” cần phát huy cao độ vai trò, chức trách của chính quyền địa phương theo Điều 18 và Điều 81- Luật Khoáng sản 2010 đã quy định..

Thành Hưng

Chuyên mục khác