Bảo vệ nguồn mạch sự sống

20/09/2017 13:05

​Kon Plông là địa phương có nhiều rừng. Ý thức được rừng là nguồn mạch của sự sống, trong những năm qua, nhiều cá nhân, cộng đồng và đơn vị được nhà nước giao quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Từ UBND xã Hiếu (huyện Kon Plông) phóng tầm mắt về hướng bên kia Quốc lộ 24, chúng ta nhận thấy rừng của cộng đồng thôn Vi Chring xếp lớp theo thế đất.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.N

 

Ngẩng mặt về nơi con gà rừng đang gáy, già làng Đinh Văn Lôi trầm tư: Dân làng Vi Chring từ bao đời nay gắn bó với rừng. Rừng cho người dân con chuột, con chim, cái nấm, cây măng để ăn, cây gỗ làm nhà; cho nguồn nước uống và giữ nước để sản xuất… Rừng là mạch nguồn, là sự sống. Được nhà nước giao đất giao rừng và hưởng lợi từ Dự án bảo vệ tổng quan các hệ sinh thái rừng cho cộng đồng dân cư vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ, người dân Vi Chring rất quý rừng, không ai dám phá rừng.

Thật vậy, ngay sau nhà già làng Đinh Văn Lôi là rừng. Mặc dù thôn Vi Chring ở ngay triền dốc, gần Quốc lộ 24 nhưng nhiều hộ vẫn đào được ao nuôi cá và vẫn có nguồn nước sạch đảm bảo cung cấp cho 47 hộ dân trong làng.

A Triệu - Thôn trưởng Vi Chring khẳng định, cộng đồng thôn được huyện giao 808ha rừng. Thực hiện Dự án bảo vệ tổng quan các hệ sinh thái rừng, từ nhiều năm nay, các tổ trong cộng đồng thôn Vi Chring thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng, do vậy rừng được bảo toàn không bị mất.

Bảo vệ tốt tài nguyên rừng, Dự án hỗ trợ cho Quỹ phát triển cộng đồng thôn Vi Chring 1,4 tỷ đồng. Mới đây, thôn rút trên 60 triệu đồng, chia cho mỗi hộ 1,24 triệu đồng, còn lại 7 triệu đồng thôn giữ làm quỹ để chi cho những người tuần tra bảo vệ rừng.

“Các hộ nhận tiền bảo vệ rừng từ Dự án đã mua bột ngọt, dầu ăn, mắm, muối… Đồng tiền từ Dự án góp phần giúp các hộ cải thiện đời sống” - A Triệu bộc bạch.

Theo ông Phan Thế Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu, để góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng, không tính cộng đồng tuần tra bảo vệ rừng, từ đầu năm đến nay, xã tổ chức 7 đợt tuần tra, truy quét vào vùng rừng các thôn Kon Plông, Kon Pling, Kon Piêng và dọc Quốc lộ 24. Qua tuần tra, xã phát hiện và kịp thời ngăn chặn một số vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép.

Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2 xác định điểm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.N

 

Ông Vinh cũng đánh giá cao Dự án bảo vệ tổng quan các hệ sinh thái rừng trong việc hỗ trợ người dân thôn Vi Chring, thôn Đăk Lom và Đăk Liêu trong việc bảo vệ rừng. Tham gia thực hiện Dự án, các thôn trên đều bảo vệ tốt tài nguyên rừng. Tuy nhiên, hiện nay, thôn Đăk Lom, Đăk Liêu chỉ tham gia bảo vệ rừng chứ chưa được địa phương giao đất giao rừng như thôn Vi Chring.

Gắn bó với người dân và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, ông Lê Đình Khương - cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Hiếu quả quyết, rừng giao cho cộng đồng hay hộ gia đình ở địa phương đều được bảo vệ tốt. Tài nguyên rừng từng bước hồi sinh. Người dân có thêm thu nhập từ việc thực hiện các chính sách bảo vệ rừng.

Ở rừng tự nhiên thuộc sự quản lý của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 2, 3 (Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Thạch Nham), chúng tôi luồn sâu trong rừng nhưng không thấy có dấu hiệu rừng bị xâm hại.

Bùi Trọng Tài - cán bộ phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 tự hào: Xác định rõ nhiệm vụ được giao và các “điểm nóng”, Trạm phối hợp với UBND xã Ngọc Tem, Măng Cành, xã Hiếu thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét và vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Vì vậy, tài nguyên rừng ở đây không bị xâm hại.

Ông Phan Quốc Vũ - Phó ban Quản lý bảo vệ rừng Thạch Nham cho biết, Ban được tỉnh giao quản lý bảo vệ trên 29.000ha rừng, trong đó giao khoán cho 1.278 hộ quản lý bảo vệ trên 26.000ha rừng gần khu dân cư. Tăng cường giao khoán rừng cho dân và đẩy mạnh tuần tra, truy quét, từ nhiều năm nay, Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Thạch Nham không để xảy ra mất rừng.   

Phát huy những nhân tố tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhiều cá nhân, cộng đồng và chủ rừng trên địa bàn huyện Kon Plông bảo vệ tốt nguồn mạch của sự sống. 

Đào Nguyên 

Chuyên mục khác