Bảo vệ “lá phổi xanh” Đăk Uy

08/11/2019 06:13

Rừng đặc dụng Đăk Uy có nhiều động, thực vật quý hiếm và được xem như “lá phổi xanh”, góp phần điều hòa khí hậu trong khu vực. Tuy nhiên, do rừng gần khu dân cư nên việc bảo vệ rừng có những lúc gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm của các cấp chính quyền và ngành chức năng, “lá phổi xanh” Đăk Uy đang ngày càng được bảo vệ tốt hơn...

Rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà) có 546,24 ha rừng. Đây là khu rừng có nhiều loài thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao, thuộc loại quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và hạn chế sử dụng, có tên trong sách đỏ Việt Nam như trắc, cẩm lai, giáng hương...; về động vật, có cu li nhỏ, gà lôi, gấu chó... Rừng như “lá phổi xanh” góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu trong khu vực.

Nhận thấy được tầm quan trọng này, trong những năm qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy và các cơ quan liên quan tăng cường triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, nhất là bảo vệ các nguồn gen động, thực vật quý hiếm; xây dựng mô hình về nghiên cứu, thực nghiệm, tổ chức các dịch vụ du lịch, tham quan, thực tập, nghỉ ngơi, giải trí...

Để làm giàu rừng, từ năm 1994 - 1996, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy tiến hành trồng 43ha trắc, cẩm lai, hương, muồng, gõ đỏ và giổi; xây dựng 20ha vườn thực vật và đóng bảng tên trên các loài cây gỗ... Bên cạnh đó, đã đầu tư xây dựng nhà quản lý, trạm, lán, chốt, hàng rào bảo vệ và 16km đường băng cản lửa.

Chính vì vậy, rừng đặc dụng Đăk Uy vẫn giữ được độ che phủ.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các nhân viên Ban Quản lý rừng trồng cây trắc. Ảnh: VN

 

Tuy nhiên, do gần khu dân cư và đường Hồ Chí Minh, rừng đặc dụng Đăk Uy thường bị lâm tặc và người dân trong vùng lén lút khai thác gỗ trái phép, nhất là gỗ trắc. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2012 - 2017, có 285 vụ vi phạm rừng đặc dụng Đăk Uy được phát hiện và xử lý, trong đó có 67 vụ vi phạm quy định chung của Nhà nước; 216 vụ khai thác rừng; 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và 1 vụ phá rừng trái pháp luật.

Các đối tượng khai thác rừng thường rất manh động, khi cần có thể chống trả quyết liệt các lực lượng bảo vệ rừng. “Máu rừng”, máu người từng đổ trong rừng đặc dụng Đăk Uy. Nhiều vụ xâm hại rừng được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử nhằm giáo dục, răn đe các đối tượng để góp phần bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng. Gần đây nhất là vụ khai thác gỗ trắc tại rừng đặc dụng Đăk Uy xảy ra trong năm 2016 được đưa ra xét xử và được dư luận quan tâm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, mọi hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tùy theo mức độ vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Về vụ án khai thác gỗ trắc tại rừng đặc dụng Đăk Uy tháng 4/2016, qua điều tra có 5 bị can được cơ quan tố tụng thực hiện theo trình tự của pháp luật và được đưa ra xét xử. Chúng tôi tôn trọng bản án mà tòa đã tuyên.

Bằng sự quyết tâm của Ban Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Đăk Uy và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ rừng, từ năm 2018 đến nay, trên lâm phần rừng đặc dụng Đăk Uy chỉ xảy ra 1 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, riêng năm 2019 không xảy ra vi phạm.

Trở lại rừng đặc dụng Đăk Uy lần này, chúng tôi thấy có nhiều khoảnh đất trống được trồng cây trắc và rừng không có dấu hiệu bị xâm hại. Ông Lương Văn Phường - Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy khẳng định, không những không để rừng bị xâm hại, Ban còn trồng 4.500 cây trắc phân tán trong rừng. Cây trắc trồng mới hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Có thể nói, với quyết tâm cao trong việc bảo vệ rừng và khi các lực lượng cùng vào cuộc, rừng đặc dụng Đăk Uy - “lá phổi xanh” đang ngày càng được bảo vệ tốt hơn.  

Văn Nhiên           

Chuyên mục khác