Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác: Gỡ khó từ cơ sở

18/12/2017 07:03

​Theo đánh giá của những người có trách nhiệm, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi phải có sự minh bạch, công khai về quy hoạch khoáng sản, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ngành chức năng, và đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở...

Bộn bề khó khăn

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác luôn là một nhiệm vụ bộn bề khó khăn - ông Lê Văn Tấn - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) từng nói như vậy trong một đợt truy quét khai thác cát trái phép tại thôn Đăk Wất, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei.

Ông Lê Văn Tấn lý giải, có nhiều nguyên nhân làm cho việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác luôn gặp khó khăn, trước hết là về mặt khách quan, khu vực có thể khai thác khoáng sản trái phép thường nằm ở những vùng rừng núi, sông suối, nơi ranh giới của 2 địa phương, giao thông phức tạp... Vì vậy, rất khó bị phát hiện, và khi phát hiện thì không dễ để tiến hành truy quét.

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác luôn là nhiệm vụ khó khăn. Ảnh: T.H

 

Thứ hai, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngày càng quy mô và diễn biến phức tạp. Trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thường có quy mô nhỏ, bằng phương pháp thủ công, diễn ra trong phạm vi hẹp, hậu quả không lớn, dễ khắc phục.

Nhưng nay thì khác, các đối tượng khai thác theo kiểu cơ giới hoá, có quy mô lớn, có sự tham gia của cả người dân tại chỗ nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác ngăn chặn, giải toả của chính quyền cũng như trong khắc phục hậu quả.

Ví dụ như trong đợt truy quét vàng tặc ở xã Đăk Kan (Ngọc Hồi), Đăk Long (huyện Đăk Glei) vừa qua, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng loạt máy móc, thiết bị khá hiện đại, như máy khoan cỡ lớn, máy thổi khí cung cấp ô xy, máy phát điện...

Riêng đối với khoáng sản là cát, sỏi, công nghệ khai thác không phức tạp, phương tiện linh hoạt, có thể di chuyển từ địa phương này tới địa phương khác; chỉ cần nghe “động” là các đối tượng tắt máy, neo thuyền “nằm im”, khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lơi lỏng trong tuần tra, kiểm soát là khai thác trở lại ngay và có thể khai thác bất cứ lúc nào, cả ngày cả đêm nên các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không dễ quản lý...

Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua cho thấy, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã đôi lúc, đôi nơi còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, xử lý chưa nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, để kéo dài tạo điểm nóng.

Có trường hợp, truy quét, xử lý hôm nay, ít lâu sau đã thấy hoạt động khai thác trở lại, hay có đối tượng bị xử phạt nhiều lần cùng một hành vi khai thác cát trái phép nhưng vẫn hoạt động như cũ, nhưng chính quyền địa phương đều "không biết", chỉ có mặt khi ngành chức năng phát hiện, yêu cầu phối hợp xử lý - một cán bộ thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã phải "kêu ca" như vậy.

Gỡ khó từ... cơ sở

Từ thực tế trên, có thể nói công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ngày càng khó khăn bởi phạm vi bảo vệ, tính chất và mức độ phức tạp. Và việc xây dựng nhóm giải pháp phù hợp luôn là sự quan tâm hàng đầu của tỉnh và các ngành chức năng có liên quan.

Theo ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, muốn tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng trong thời gian tới đòi hỏi sự minh bạch, công khai về quy hoạch khoáng sản, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ngành chức năng, và đặc biệt, gỡ khó từ cơ sở, nghĩa là nâng cao trách nhiệm của chính quyền.

Và để giải quyết hiệu quả những yêu cầu mới ấy, ngày 21/6/2017, UBND tỉnh đã có Quyết định số 568/QĐ-UBND về ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (thay thế Quyết định 534/QĐ-UBND ngày 05/8/2015) với những điều chỉnh phù hợp.

Minh bạch, công khai quy hoạch khoáng sản cũng là giải pháp hiệu quả để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Ảnh: T.H

 

Trong Phương án đã xác định rõ khu vực cấm hoạt động khoáng sản gồm 1.111 vị trí, khu vực, tuyến với tổng diện tích 297.421,31ha. Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản có 732 vị trí với tổng diện tích 335,96ha. Bên cạnh đó, Phương án đã xác định rõ từng khu vực thường xảy ra khai thác trái pháp luật cần quan tâm bảo vệ trên địa bàn tỉnh.

Việc định vị cụ thể từng “điểm đen” về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép sẽ giúp chính quyền địa phương và ngành chức năng chủ động triển khai công tác quản lý cũng như ngăn chặn các hành vi vi phạm, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác - ông Trần Công Hậu - Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá.

Cùng với việc xác định rõ khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm và khu vực cần quan tâm bảo vệ, Phương án còn quy định rõ trách nhiệm phối hợp xử lý thông tin và giải tỏa hoạt động khai thác trái phép giữa các bên có liên quan, xem đây là yếu tố hàng đầu để nâng cao hiệu quả bảo vệ khoáng sản.

Đồng tình với việc cần công khai, minh bạch thông tin vùng có khoáng sản, vùng được phép khai thác khoáng sản, khai thác thế nào, bao nhiêu để người dân giám sát, cùng bảo vệ, ông Võ Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá cao những quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong bảo vệ khai thác khoáng sản chưa khai thác.

Theo đó, UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không giải tỏa dứt điểm, để tái diễn, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho hoạt động khoáng sản trái phép; thỏa thuận, cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật phải xử lý, kỷ luật.

Quan điểm của Phương án là thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách pháp luật, chiến lược Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Mà muốn như vậy, trước hết người đứng đầu chính quyền cơ sở phải dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, nếu như chủ tịch UBND xã nào thiếu kiên quyết trong việc phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép thì chắc chắn rằng, địa bàn ấy sẽ xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép phức tạp, kéo dài - ông Võ Thanh Hải nhận định.

Thành Hưng

Chuyên mục khác