Bảo vệ đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Chư Mom Ray

21/02/2018 14:00

​Với sự đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được công nhận là di sản thiên nhiên ASEAN. Để bảo vệ tốt di sản thiên nhiên này, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray triển khai nhiều hoạt động tăng cường giao khoán, tạo sinh kế cho người dân vùng đệm; cứu hộ động, thực vật rừng.

Tăng cường giao khoán và tạo sinh kế cho dân vùng đệm

Theo ông Đào Xuân Thủy - Phó giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có 56.249,2ha rừng nằm trên địa bàn các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), Sa Loong, Bờ Y, Đăk Kan (huyện Ngọc Hồi). Địa bàn rộng, nguồn nhân lực có hạn, khó có thể kiểm soát hết rừng, để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng, với phương châm dựa vào dân bảo vệ rừng, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tăng cường giao khoán rừng, phối hợp với huyện hỗ trợ cho dân trồng cây dược liệu dưới tán rừng để giúp dân tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống.  

Đến thăm rừng giao khoán cho người dân vùng đệm ở xã Sa Sơn, chúng tôi thấy rừng đang được bảo vệ tốt, không có dấu hiệu xâm hại và người dân nhận khoán phấn khởi chăm sóc cây sa nhân dưới tán rừng.

A Rứ, làng Ba Rgók nhận khoán khoe: Gia đình mình cùng với 10 hộ nhận khoán ở làng được huyện phối hợp với các cán bộ vườn hỗ trợ cây giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng mỗi hộ 2ha sa nhân tím. Nhận khoán bảo vệ rừng, không để xảy ra mất rừng, gia đình cũng như các hộ được Vườn Quốc gia Chư Mom Ray trả gần 400 nghìn đồng/ha rừng nhận khoán theo chính sách dịch vụ môi trường rừng.

“Đất rừng ở khu vực này phù hợp với cây sa nhân. Vì vậy, cây sa nhân tím gia đình trồng sinh trưởng tốt. Ngày xưa cũng ở khu vực này, mình thường hái trái sa nhân tự nhiên về bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống” - A Rứ quả quyết.  

Trong việc tạo sinh kế, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hướng dẫn người dân vệ sinh rừng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng sa nhân.

Sa nhân là cây dược liệu. Việc trồng sa nhân dưới tán rừng nhằm giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, gắn bó với rừng, bảo vệ rừng hiệu quả hơn và thực hiện chủ trương phát triển cây dược liệu ở địa phương.

Đến rừng giáp với vùng đệm ở thôn 1, 2, xã Sa Sơn, chúng tôi nhận thấy rừng vẫn giữ được nét nguyên sinh.

Ông Nguyễn Văn Bàng - Tổ trưởng cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng cho hay, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray giao khoán cộng đồng (11 hộ) bảo vệ 265ha rừng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng với mức giao khoán 388 nghìn đồng/ha/năm. Tính ra, hàng năm cộng đồng hưởng trên 100 triệu đồng, bình quân mỗi hộ trên 9 triệu đồng. Có tiền dịch vụ môi trường rừng, các hộ mua con giống, cây giống, phân bón thâm canh, mở rộng sản xuất và trang trải cuộc sống. Đời sống người dân vùng đệm ngày càng được ổn định và nâng lên.

Gắn quyền lợi với trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Quý - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Ba Rgók cho biết, nhận khoán bảo vệ rừng, cộng đồng thôn 1, 2, Ba Rgók chia thành các nhóm nhỏ, hàng tuần thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Có người liên tục tuần tra, lâm tặc không dám vào khai thác gỗ hay phá rừng trái phép. Trong rừng giao khoán, buổi sáng từng đàn khỉ, vượn nhảy nhót trên cành, hót líu lo. Động, thực vật sinh trưởng tốt theo quy luật của tự nhiên.

Bảo vệ sự đa dạng sinh học

Cũng theo ông Đào Xuân Thủy, qua kết quả điều tra, về thực vật đã thống kê được Chư Mom Ray có 1.895 loài (có 80 loài quý, hiếm), thuộc 184 họ và 877 chi. Các loài thực vật quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai…

Về động vật, Chư Mom Ray đã thống kê được 950 loài, thuộc 44 bộ, 155 họ và 610 chi. Trong đó, 120 loài thú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng (bướm).

Năm 2017, Trung tâm tiếp nhận, cứu hộ  15 cá thể  động vật hoang dã. Ảnh: V.N

 

Đặc biệt, Chư Mom Ray có 86 loài thuộc diện quý hiếm đ­ược ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các loài động vật quý hiếm có: bò tót, bò rừng, trâu rừng, hổ, báo hoa mai và voọc chà vá. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học còn cho rằng, có thể còn có bò xám, nai cà tong và hươu vàng. Đó là những đối tượng được ưu tiên bảo tồn hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới.

Để góp phần bảo vệ có hiệu quả hơn tài nguyên rừng và phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray còn thành lập Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm, hiện nay, Trung tâm xây dựng vườn thực vật. Trong vườn thực vật, Trung tâm trồng, bảo vệ, di thực nhiều loại thực vật quý hiếm như trắc, cẩm lai, gõ mật, các loài lan... để bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học.

Theo thống kê, hiện nay, vườn trồng và bảo tồn 224ha cây sao đen, dầu, muồng đen; 3ha trắc; xây dựng được 600m2 nhà lưới để bảo vệ các loài lan trước nhu cầu chơi lan và khai thác lan có nguy cơ làm cạn kiệt các loài lan quý trong rừng.

Trung tâm hiện đang cứu hộ nhiều loại động vật hoang dã như: khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, tê tê, rùa đất Sê Pôn, rùa núi vàng, kỳ đà... do người dân và các cơ quan chức năng giao nộp.

Không tính những năm trước, riêng năm 2017, Trung tâm tiếp nhận, cứu hộ  15 cá thể  động vật hoang dã (vượn, khỉ, trăn, cầy hương, rùa...); sưu tập bảo tồn chuyển vị 90 loài lan với hơn 1.000 giá thể lan rừng. Đặc biệt, Trung tâm hiện đang giám sát loài thú móng guốc (bò tót), loài linh trưởng (vượn má hung) xây dựng giải pháp bảo vệ và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh hoạt động bảo tồn, Trung tâm còn tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học. Các đoàn tham quan khi đến đây đều đánh giá cao về sự đa dạng sinh học, về thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray.  

Tăng cường các hoạt động giao khoán rừng, tạo sinh kế cho người dân vùng đệm giữ rừng và triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đang bảo vệ và làm phong phú thêm di sản thiên nhiên ASEAN.

                                                                             Văn Nhiên

 

Chuyên mục khác