Bảo tồn và phát triển nguồn thảo dược

18/06/2020 13:01

Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu bảo tồn và nhân giống một số loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, có giá trị dược liệu cao tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông. Việc khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên này đạt trữ lượng trên 50 tấn nguyên liệu/năm và phát triển 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung.

Những năm qua, ở Kon Tum, nhiều loài thảo dược được các tổ chức, cá nhân bảo tồn và phát triển thành những vùng rộng lớn. Thực tế này khẳng định chủ trương phát triển cây dược liệu là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực của tỉnh là một hướng đi đúng đắn nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế- xã hội, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh ta thành vùng dược liệu trọng điểm của khu vực và cả nước, góp phần bảo tồn và phát triển nguồn thảo dược.

Tại Tây Nguyên hiện nay có gần 1.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, riêng trên địa bàn Kon Tum đã có tới 853 loài. Trong đó, nổi bật nhất là: sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến, trọng lâu, bách hợp… Nhận thấy tiềm năng, lợi thế này, ngày 2/3/2018, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU và tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Vườn sâm giống của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri. Ảnh: XB

 

Theo đó, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu cụ thể là bảo tồn và nhân giống một số loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, có giá trị dược liệu cao như đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, đương quy… tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông. Việc khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên này đạt trữ lượng trên 50 tấn nguyên liệu/năm và phát triển 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với 9 loài dược liệu địa phương và các loài dược liệu theo quy hoạch, phù hợp với điều kiện tự nhiên với từng vùng, phấn đấu đạt tổng sản lượng nguyên liệu các loài dược liệu này trên 755 nghìn tấn.

Để đạt được mục tiêu này, thời gian vừa qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn và phát triển một số loại dược liệu; ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây dược liệu như: Miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ vùng nguyên liệu...

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. Điển hình là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát triển được hơn 300 ha sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng được 13,1 ha sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH Thái Hòa trồng 40 ha sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, nghệ vàng, gừng, can khương, ba kích, giảo cổ lam... ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Plông.

Ngoài ra, nhiều hộ gia đình ở các xã Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đăk  Na (huyện Tu Mơ Rông)... được UBND huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, đương quy, ngũ vị tử, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm định hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khuyến khích các địa phương cơ sở, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn đầu tư phát triển cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông đã có nghị quyết về phát triển cây hồng đẳng sâm trên địa bàn và xác định đây là một trong các loại cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số.

Từ chủ trương của huyện, HĐND xã Măng Ri cũng ban hành nghị quyết, phấn đấu mỗi hộ phát triển ít nhất một sào sâm dây bằng cách vận động người dân tận dụng quỹ đất kết hợp sản xuất rẫy trồng xen cây sâm dây (Nhà nước hỗ trợ cây giống). Đến nay, toàn xã đã có khoảng 90% số hộ trồng sâm. Cũng tại xã Măng Ri, hơn 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số liên kết Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum bảo vệ, chăm sóc vườn sâm, với mức lương từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, mở ra hướng thoát nghèo mới.

Tại huyện Kon Plông, ông Đặng Thanh Nam- Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định, địa phương đã khảo sát, quy hoạch hơn 600 ha rừng để bảo tồn, khai thác các loại cây dược liệu theo hướng bền vững; đồng thời, hỗ trợ người dân trồng 100 ha dược liệu ngay trong năm 2017. Trên địa bàn huyện Kon Plông hiện có 18 dự án liên quan đầu tư trồng và phát triển cây dược liệu. Trong đó, Công ty cổ phần dược liệu Măng Đen hỗ trợ đầu tư, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng 30 ha nghệ ở các xã Ngọc Tem, Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng; Công ty TNHH Sơn Trung Du đầu tư giống, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trồng 30 ha cà gai leo ở xã Măng Cành và Đăk Tăng. Hai công ty đều cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Để có thể khai thác đúng hướng lợi thế điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu, tỉnh đang chỉ đạo và xây dựng chương trình phù hợp, kế hoạch cụ thể, vừa khai thác, vừa bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu. Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư, bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tỉnh xác định việc phát triển và khai thác dược liệu phải bền vững để nguồn dược  liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.  

Dương Lê

Chuyên mục khác