05/06/2021 06:14
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 4.354ha rừng và trồng rừng mới tập trung 6.863ha, góp phần giảm thiểu khí nhà kính, thiên tai, bảo tồn tài nguyên đất và nước trên địa bàn tỉnh. Ban chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, huyện, xã thường xuyên chỉ đạo, tăng cường quản lý bảo vệ rừng thông qua hoạt động tuyên truyền, tuần tra, truy quét và thành lập chốt, trạm bảo vệ rừng tại các điểm nóng...
Đáng chú ý, từ năm 2013 đến tháng 9/2020, toàn tỉnh tổ chức 54 đợt kiểm tra các cơ sở nuôi, trồng động thực vật hoang dã và các cơ sở kinh doanh, nhà hàng quán ăn trên địa bàn tỉnh; qua đó đã phát hiện, xử lý 17 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó xử lý hành chính 16 vụ, xử lý hình sự 1 vụ.
|
Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý và tịch thu 38 cá thể động vật hoang dã do vận chuyển trái pháp luật và 46 cá thể động vật hoang dã do mua bán, cất giữ trái pháp luật. Bên cạnh đó, các lực lượng tăng cường kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng, cây mai dương; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ động, thực vật hoang dã; giám sát hoạt động của các trại nuôi động vật hoang dã, các cơ sở trồng, cấy nhân tạo thực vật hoang dã trên địa tỉnh. Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục và cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức cá nhân, tổ chức có nhu cầu gây nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng hoặc trồng, cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã.
Tỉnh ta hiện có Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và Rừng đặc dụng Đăk Uy được quy hoạch để thực hiện bảo tồn tại chỗ các nguồn gen động, thực vật quý, hiếm. Đặc biệt, đã xây dựng 1 vườn thực vật với quy mô 180 ha tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray thực hiện bảo tồn 12 ha loài cây quý hiếm (cẩm lai, trắc, cà te, hương...), 2.024 giò lan thuộc 133 loài. Ngoài ra, từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, cứu hộ 228 cá thể và tái thả 216 cá thể động vật hoang dã, quý hiếm vào rừng quốc gia.
Trong thời gian tới, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Quyết định số 523/QĐ-UBND ngày 3/10/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện các dự án bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học như: Dự án quy hoạch, nâng cấp Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh thành Vườn quốc gia Ngọc Linh; Dự án thành lập Trung tâm cứu hộ động vật và bảo tồn ngoại vi với diện tích khoảng 5 ha tại địa bàn xã Xốp, huyện Đăk Glei; đề xuất thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh (Voọc chà vá chân xám) tại huyện Kon Plông với diện tích khoảng 40.000 ha...
Cùng với đó, ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ viên chức làm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tuyên truyền, vận động người dân các thôn gần rừng chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác QLBVPTR, bảo tồn đa dạng sinh học.
Mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra là phải vừa bảo đảm chủ trương bảo vệ, phát triển rừng bền vững, vừa bảo đảm sinh kế, thu nhập của người dân sống gần rừng. Theo đó, phấn đấu thực hiện và hoàn thành mục tiêu giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư, tổ chức kinh tế để quản lý, sử dụng rừng bền vững và kết hợp đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng; tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách về quản lý động vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020...
Quang Định