Báo động vấn đề giết mổ gia cầm tại chợ

13/04/2017 18:24

Hiện nay, tại nhiều chợ dân sinh, chợ cóc trên địa bàn tỉnh, song song với việc kinh doanh gia cầm sống, một số cửa hàng còn thực hiện giết mổ gia cầm ngay tại chỗ. Bên cạnh lợi ích là đem lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người bán thì hoạt động này đang báo động nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và làm tăng khả năng bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh.

Tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, chuyện mua bán, giết mổ gia cầm sống ngay tại chỗ không phải là điều hiếm gặp. Từ chợ đầu mối đến chợ nhỏ lẻ đều có thể bắt gặp dịch vụ này. Người dân mua gà, vịt sống tại các điểm bán này rồi trả thêm tiền để các cơ sở giết mổ luôn.

Chị Lê Thị Nhi (tổ 11, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mỗi lần muốn ăn gà, vịt, tôi ra chợ chọn con nào ưng ý mua rồi nhờ người bán giết mổ ngay tại chợ xong xuôi mang về nhà chỉ việc sơ chế lại đỡ mất công hơn. Tuy nhiên, tôi không bao giờ mua gia cầm đã làm sẵn bởi mình phải thấy được tận mắt con gà, vịt còn sống, tươi ngon mới yên tâm chứ loại người ta làm sẵn rồi thì không biết chất lượng ra sao, thậm chí chết lâu rồi cũng nên.

Đa phần người dân đều có suy nghĩ như chị Nhi cho rằng mua gà, vịt sống và sau đó giết mổ ngay tại chỗ vẫn an toàn hơn là mua gà, vịt đã giết mổ bày bán sẵn tại chợ. Có cầu thì ắt có cung, vì người mua có nhu cầu nên những người bán sẵn sàng đáp ứng.  

Giết mổ gia cầm tại chợ. Ảnh: T.H

 

Một số người, dù không mua gia cầm tại chợ, nhưng nếu nuôi hoặc mua được cũng mang ra các điểm giết mổ này. Một phần do quỹ thời gian hạn hẹp, một phần người dân đều ngại làm nên tìm đến các cơ sở này cho tiện. Mặt khác, giá công giết mổ cũng rất phải chăng, khoảng từ 7.000 – 10.000 đồng/con gà, từ 15.000 – 20.000 đồng/con vịt, ngan nên dịch vụ này ngày càng hút khách.

Tuy nhiên, việc giết mổ gia cầm tại chợ tiện thì có tiện, nhưng chưa hẳn đã lợi nếu không muốn nói là rất đáng báo động về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và lây lan dịch bệnh.

 Tại chợ phường Quyết Thắng (thành phố Kon Tum), chúng tôi quan sát ở những điểm bán gà, vịt kiêm giết mổ, chỉ trong diện tích chừng mươi mét vuông, phía trước người ta kê kệ bán gà, vịt đã giết mổ sẵn bên cạnh những chiếc lồng đựng gà, ngan, vịt sống, phía trong là chỗ giết mổ gia cầm ẩm thấp, nhếch nhác. Những thau đựng nước nhớp nháp, những chiếc chén đựng tiết cáu bẩn, nền nhà nào tiết văng dính với lông, phân bốc lên mùi nồng nặc, những nồi nước nhúng gia cầm sống để trên bếp được dùng nhúng hết con gia cầm này đến con khác. Việc giết mổ ở đây được thực hiện với công nghệ xử lý lông gà, vịt cực nhanh, người bán chỉ cần nhúng gà vào nồi nước sôi rồi vớt ra cho vào lồng quay, chưa tới 1 phút con gà đã trụi lông.

Tại chợ Duy Tân (thành phố Kon Tum), khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm sống có vẻ đỡ chật chội hơn, nhưng vẫn không tránh khỏi sự mất vệ sinh từ hoạt động này. Những người giết mổ gia cầm sống cho biết, trung bình họ bán từ 30 - 40 con gà, vịt/ngày, đa phần khách hàng mua xong là yêu cầu giết mổ tại chỗ luôn, vào những ngày lễ, tết nhu cầu của khách hàng tăng lên gấp 2-3 lần. Tất cả gà vịt, sau khi cắt tiết được ném thẳng xuống nền nhà rồi lần lượt được đưa vào một nồi nhúng nước sôi, sau đó lại được ném xuống nền nhà để vặt lông, mổ, làm lòng...

Theo chia sẻ của một người bán gia cầm tại đây, vì điều kiện ở chợ không thể được như ở nhà nên tận dụng được cái gì thì cứ tận dụng, nhất là nước vì nước ít, vả lại dùng ít cho đỡ tiền. Hơn nữa, những ngày đông khách, một ngày rửa vài chục con trong một xô nước là điều hết sức bình thường bởi “đằng nào họ chả về rửa lại, có ai cứ thế cho vào nấu bao giờ đâu mà lo”.

Ở các chợ cóc, chợ tự phát, tình trạng giết mổ gia cầm còn mất vệ sinh hơn. Các điểm giết mổ mọc lên ngay ven đường, chỗ làm chật hẹp, dụng cụ giết mổ thiếu thốn, nguồn nước hạn chế, rồi trong quá trình làm bao nhiêu nước thải, chất thải đều được đổ trực tiếp ngay ra nền đường, xuống cống rãnh ven đường...

Điều đáng nói là hoạt động giết mổ gia cầm tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum cũng như ở nhiều nơi khác đang diễn ra tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm và công khai, gần như không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. 

 Có thể nói thực trạng giết mổ gia cầm tại các chợ hiện nay và sự thờ ơ của người tham gia giết mổ cũng như người tiêu dùng trong khâu vệ sinh phòng dịch là rất đáng lo ngại. Từ các điểm giết mổ gia cầm tự phát, không đảm bảo vệ sinh thú y này, mầm bệnh sẽ phát tán, nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh cũng như mất vệ sinh an toàn thực phẩm là điều có thể thấy rõ.

Thiên Hương

Chuyên mục khác