12/10/2017 06:05
Đến những khu rừng được Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, chúng tôi thấy rừng đang xanh tốt.
A Hói, làng Măng Rương cho biết, gia đình ông được giao 13ha rừng. Bảo vệ tốt tài nguyên rừng, mấy năm trở lại đây khi thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, gia đình ông được huyện chi trả từ 6-7 triệu đồng/năm từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.
Khi được hỏi ở làng Măng Rương có bao nhiêu hộ được giao đất giao rừng, A Hói nói rành rọt: Trong làng có 10 hộ được giao đất giao rừng. Hộ được giao nhiều 15ha, hộ được giao ít 5ha. Tuy nhiên, ông cũng như nhiều hộ gia đình được huyện giao đất, giao rừng đang quản lý bảo vệ khá lo lắng khi nghe nói rừng sẽ được giao lại cho cộng đồng.
“Bao nhiều năm nay, gia đình tôi cũng như nhiều hộ được giao đất, giao rừng không để xảy ra mất rừng. Mong cấp trên không thu rừng của các hộ để giao lại cho cộng đồng” - A Hói giãi bày.
Theo UBND huyện Đăk Tô, thực hiện Quyết định 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, đến nay, huyện Đăk Tô giao cho 20 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Văn Lem 300ha rừng và đất rừng. Tuy nhiên, diện tích này hiện nay còn lại 230,39ha/20 hộ. Nguyên nhân giảm là do thu hồi để làm đường Nam Quảng Nam 46,33ha và thu hồi diện tích giao chồng lấn trên đất rừng xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) 23,28ha.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định 1264/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2009-2012, UBND huyện giao 423,11ha cho 46 hộ gia đình ở xã Văn Lem quản lý bảo vệ và phát triển theo đúng quy định.
Đối với việc giao rừng cho cộng đồng, huyện đã giao 5,82ha rừng cho Ban nhân dân thôn 5, xã Diên Bình. Đồng thời cuối năm 2016, huyện đăng ký 1.081,08ha rừng, đất lâm nghiệp để triển khai thí điểm phương án giao đất, giao rừng cho các thôn trên địa bàn xã Văn Lem trong thời gian đến.
Trong buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát về thực hiện các chính sách, pháp luật về rừng, huyện khẳng định, các hộ gia đình được giao đất giao rừng tuân thủ đúng quy định của khế ước đã ký kết, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng... Một số hộ tận dụng đất trống trong diện tích rừng được giao để phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, trồng sâm dây, đương quy để tăng thu nhập.
Hiệu quả của việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trên địa bàn huyện quản lý đã rõ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào đánh giá phương thức giao đất, giao rừng cho cộng đồng hay hộ gia đình hiệu quả hơn, vì mỗi phương thức đều có một ưu điểm và nhược điểm riêng.
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với diện tích rừng đã giao theo phương thức nào thì giữ nguyên theo phương thức ấy để bảo đảm ổn định lâu dài cho hộ gia đình hay cộng đồng.
Văn Nhiên