Bảo đảm lương thực trước biến đổi khí hậu

17/10/2016 14:10

Trước biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan và bất thường, việc thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề đòi hỏi chúng ta cần quan tâm.

Không phải ngẫu nhiên khi Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới (16/10) năm nay đưa ra chủ đề: “Khí hậu biến đổi. Lương thực và nông nghiệp cũng cần thay đổi”.

Đưa ra chủ đề này, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc kêu gọi các quốc gia thích ứng, chung tay giảm biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân đều có đủ lương thực, thực phẩm để có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh.

Bởi trên thực tế, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sức khỏe của hành tinh và làm thay đổi thế giới của chúng ta; gây ra nhiều vấn đề về thiên tai, môi trường và làm cho các quốc gia gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho người dân.

Việt Nam ta nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu. Theo thống kê, không tính các cây trồng khác, trong mùa khô vừa qua, hạn hán đã làm trên 1.370ha lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại.

Đưa lúa mới vào sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực cho người dân. Ảnh: V.N

 

Mặc dù trước đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động ứng phó giảm nhẹ thiên tai, chuyển đổi diện tích lúa thường xuyên thiếu nước sang cây trồng cạn tiêu tốn ít nước hơn để vừa đảm bảo nước tưới cho cây trồng, vừa nâng cao giá trị thu được trên một diện tích.

Tuy nhiên, do các địa phương chỉ đạo chuyển đổi không quyết liệt, không có kế hoạch hỗ trợ giống, cây trồng cho người dân nên việc chuyển đổi không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Trong điều kiện ngân sách tỉnh gặp khó khăn, cùng với nhiều địa phương khác, tỉnh được Chính phủ hỗ trợ gạo giúp dân bị thiệt hại do hạn hán gây ra. Khó khăn về hạn hán đã qua. Tuy nhiên, về lâu dài đòi hỏi các địa phương và ngành Nông nghiệp tỉnh phải thích ứng với biến đổi khí hậu, với thiên tai.

Có rất nhiều cách thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với diện tích ruộng lúa thường xuyên thiếu nước, ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền hỗ trợ dân chuyển đổi sang cây trồng cạn có hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn.

Đồng thời, để bù đắp một phần sản lượng lương thực mất đi, ngành Nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh chuyển giao khoa học, tiếp tục đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt giúp người dân đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất lúa, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số kỹ thuật thâm canh còn hạn chế.

Một trong những vấn đề giúp người dân nâng cao năng suất lúa là việc cải tạo lại đồng ruộng manh mún và xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thâm canh.

Không thể nói đến việc thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất khi người dân vẫn còn sản xuất theo tập quán cũ, đồng ruộng không được cải tạo, hệ thống tưới tiêu không đảm bảo cho việc bón phân không bị trôi và chăm sóc theo yêu cầu kỹ thuật. Đồng ruộng không thể thâm canh, nếu nước chảy vào ruộng miên man suốt ngày hoặc ruộng thường xuyên bị thiếu nước.

Kinh nghiệm cho thấy, để khắc phục tình trạng này, có nhiều thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số như ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà cải tạo lại đồng ruộng và được Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu hợp lý. Theo đó, bà con ở đây thâm canh năng suất lúa đạt 6-7 tấn/ha, không thua kém ruộng người Kinh.

Để bảo đảm nước cho việc thâm canh cây lương thực, vấn đề quan trọng được đặt ra nữa là việc trồng rừng, phục hồi rừng và bảo vệ rừng hiệu quả. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc cũng đặc biệt quan tâm các lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong các lĩnh vực lâm nghiệp, Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc kêu gọi chúng ta phải bảo vệ và quan tâm chăm sóc nguồn tài nguyên rừng để giữ cho hành tinh và con người sinh sống trên đó luôn được khỏe mạnh. Bởi rừng là nơi điều hòa khí hậu, giữ nước và cung cấp nguồn nước ổn định cho các sông, suối phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống.

Trên thực tế, từ nhiều năm qua, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và dành nhiều tâm sức cho việc bảo vệ, phát triển rừng. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc bảo vệ và phát triển rừng vẫn chưa được như mong muốn. Tình trạng khai thác rừng, phá rừng làm nương rẫy trái phép vẫn còn xảy ra và chưa thực sự ngăn chặn triệt để.

Trước thực tế đòi hỏi, việc bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề đặt ra cả trước mắt và lâu dài. Tất cả chúng ta không thể lơ là và cùng có trách nhiệm.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác