26/06/2024 13:08
Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ có nhiều diễn biến khó lường và phức tạp. Điều đó có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống giao thông trên địa bàn như sạt lở, gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị được giao quản lý đường xây dựng phương án chi tiết và có kế hoạch cụ thể huy động nhân vật lực, thiết bị máy móc triển khai ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, Sở cũng lập phương án phòng chống và đảm bảo giao thông trên địa bàn tỉnh mùa mưa bão năm 2024. Ngoài ra, Sở cũng tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của Sở và phân công phân nhiệm rõ các thành viên ban chỉ đạo phụ trách theo tuyến đường, địa bàn để theo dõi, phối hợp với lãnh đạo các đơn vị doanh nghiệp được giao quản lý đường trong công tác chỉ đạo, huy động lực lượng và triển khai các biện pháp phòng chống và khắc phục khi xảy ra mưa bão, sạt lở đất...
|
Theo ông Vũ Văn Thuần- Phó Giám đốc Sở GTVT, ngay từ đầu năm, Sở đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trên các tuyến đường trong mọi tình huống. Sở yêu cầu đơn vị được giao quản lý đường tăng cường tuần tra, rà soát, xác định những vị trí thường xuyên xảy ra sạt lở trên tất cả các tuyến đường, cắm biển cảnh báo cho người dân biết đề phòng; đồng thời, tập kết vật liệu tại những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở, mất an toàn giao thông để sẵn sàng ứng phó kịp thời, nhanh khi xảy ra sự cố sạt lở. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị quản lý chủ động chuẩn bị sẵn máy móc, nhân lực kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi có mưa bão, không để ách tắc giao thông kéo dài.
Cũng theo Sở GTVT, để khắc phục sạt lở, tránh ách tắc giao thông lâu, Sở đã chuẩn bị sẵn vật tư gồm gần 354 rọ đá, hơn 1500m3 đá hộc và 1 dàn cầu treo, 2 dàn cầu thép Bailey tại đơn vị quản lý đường để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sạt lở, ách tắc giao thông. Ngoài những vật tư hiện có ở trên, khi cần ứng cứu sự cố trôi cầu, đứt đường, Sở báo cáo với UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS của tỉnh để huy động mượn dàn cầu Bailey của Cục Đường bộ Việt Nam tại Khu Quản lý đường bộ III để ứng cứu một cách nhanh nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các đơn vị quản lý đường thì lo ngại nhất đối với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn như tỉnh lộ 673, 676, 677, 678, đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh và các tuyến quốc lộ 40B, 24… rất dễ xảy ra sự cố sạt lở trong mùa mưa bão năm nay. Đây là những tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao nhất trong mùa mưa bão bởi những tuyến đường này mới được xây dựng, có nhiều vách núi cao và địa chất yếu nên rất dễ xảy ra sạt lở, ách tắc giao thông.
Đơn cử như tuyến Quốc lộ 24, có nhiều vị trí xung yếu, nhất là đoạn Km69 - Km113, Km118-Km130, Km157- Km159 có nguy cơ sụt ta luy dương và ta luy âm. Ông Trần Kim Tuấn- cán bộ quản lý của Công ty Cổ phần Xây dựng và quản lý công trình giao thông Kon Tum (đơn vị được giao quản lý Quốc lộ 24) cho biết: Ngoài việc xây dựng phương án phòng chống chi tiết theo phương châm “4 tại chỗ” thì đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, máy móc thiết bị và vật tư để ứng phó, không để ách tắc giao thông. Đơn vị cũng thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm tra, phát hiện sớm các vị trí nguy cơ sạt lở dẫn đến tắc đường để tổ chức khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão…
|
Cùng với Quốc lộ 24, tuyến Quốc lộ 40B, Tỉnh lộ 672, Tỉnh lộ 678, đoạn tránh đèo Văn Rơi, Đường ĐH.53 (đường liên xã Kon Đào - Ngọc Tụ - Đăk Rơ Nga), đường Hồ Chí Minh đi xã Đăk Ang, đường từ Đăk Ang đi xã Đăk Rơ Nga, đường giao thông tránh lũ từ thôn 10, xã Đăk Pxi, (huyện Đăk Hà) đi thôn 2 xã Diên Bình (huyện Đăk Tô)… cũng có nhiều vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cả ta luy dương và ta luy âm, nguy cơ tắc đường. Với tuyến đường này, đơn vị quản lý đường là Công ty TNHH QLSC và XDGT Đắk Bình cũng đã có phương án triển khai các biện pháp ứng phó và khắc phục khi có sự cố xảy ra.
Ông Tạ Chí Hiếu- Giám đốc Công ty TNHH QLSC và XDGT Đắk Bình cho biết, đơn vị đã xác định những vị trí xung yếu, tiến hành tập kết máy đào, máy xúc, xe ô tô, các thiết bị khác tại Kho vật tư tại thị trấn Đăk Tô, tại Trạm quản lý (trên Quốc lộ 40B xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô) và Trạm quản lý (trên Quốc lộ 40B xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông) để sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo giao thông khi có sự cố xảy ra nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão.
Cùng với các phương án phòng chống sạt lở, tắc đường, ngành GTVT cũng xây dựng phương án cụ thể về hướng đi khi một số tuyến đường xảy ra ách tắc nhằm đảm bảo giao thông thông suốt.
Hy vọng với sự chủ động, linh hoạt của ngành GTVT, những sự cố sẽ được khắc phục kịp thời và các tuyến đường được bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa bão.
Phúc Nguyên