Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường

06/12/2024 06:13

Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là mùa mua sắm lớn nhất trong năm. Để kích cầu tiêu dùng và giúp người dân yên tâm mua sắm, không lo hàng hóa tăng giá đột biến, ngành Công thương tập trung triển khai phương án bình ổn thị trường; mời gọi các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa, ổn định giá bán.

Theo thông lệ, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân thường tăng cao, nhất là các mặt hàng  lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát. Do đó, việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trước yêu cầu của thị trường, Sở Công thương xây dựng phương án, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.  Qua đó, tạo nguồn hàng dồi dào, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với giá bình ổn, hợp lý, hạn chế tình trạng tăng giá đột biến ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Năm nay, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá là Siêu thị WinMart và Siêu thị Co.opmart Kon Tum với tổng lượng hàng hóa dự trữ trị giá gần 9,4 tỷ đồng. Trong đó, Siêu thị WinMart dự trự lượng hàng hóa trị giá gần 3,4 tỷ đồng và Siêu thị Co.opmart Kon Tum là trên 6 tỷ đồng; các đơn vị tham gia không vay vốn ngân sách nhà nước. Các mặt hàng nằm trong danh sách bình ổn giá là đường, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, mì tôm, trà, bánh, kẹo, hạt các loại, gạo tẻ, gạo nếp các loại, thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến…

Siêu thị Co.op Mart Kon Tum tham gia dự trữ hàng hóa và thực hiện chương trình bình ổn giá bán. Ảnh: T.H

 

Siêu thị Co.op Mart KonTum là đơn vị luôn đi đầu trong công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường, có kinh nghiệm tham gia Chương trình bình ổn thị trường.

Ông Đỗ Nhất Quân- Giám đốc Siêu thị Co.op Mart KonTum cho biết: Từ đầu tháng 10/2024, đơn vị đã lên phương án dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 cũng như thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường giai đoạn cao điểm theo yêu cầu của Sở Công thương. Trong đó, ưu tiên tăng trữ lượng các mặt hàng như gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, bánh kẹo, đồ uống.

“Ngoài các mặt hàng đăng ký, đơn vị còn hơn 15.000 mặt hàng dự trữ khác với giá trị khoảng 50 tỷ đồng để phục vụ thị trường. Tất cả hàng hóa tham gia bình ổn giá đều được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ nguồn đầu vào để bảo đảm về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh việc triển khai bán hàng tại siêu thị, vào thời điểm cận Tết Nguyên đán 2025, đơn vị sẽ thực hiện chuyến bán hàng lưu động mặt hàng thiết yếu kèm nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, giảm giá trực tiếp trên sản phẩm để vừa kích cầu tiêu dùng vừa góp phần  phát triển thị trường”- ông Đỗ Nhất Quân cho biết thêm.

Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ảnh: TH

 

Theo kế hoạch, chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ được áp dụng từ ngày 15/12/2024- 15/2/2025. Cùng với việc triển khai bán hàng tại các trụ sở, địa điểm cố định trên địa bàn thành phố Kon Tum, các doanh nghiệp đã lên kế hoạch tổ chức những chuyến hàng lưu động về một số xã vùng sâu, vùng xa như  xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông), xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei), xã Đăk Ring (huyện Kon Plông). Qua đó, góp phần mang hàng Việt giá tốt về phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân ở khu vực nông thôn.     

Nhằm đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, ngày 27/11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 4276/UBND-KTTH yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành giá những tháng còn lại năm 2024. Trong đó, chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, bất hợp lý; bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa. Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cùng với việc thực hiện hiệu quả Chương trình bình ổn giá, các ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân không nên tích trữ quá nhiều hàng hóa và nói không với hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Qua đó, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của bản thân. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác