20/11/2023 13:16
Tại Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 01/11/2023, HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh).
Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu tổng quát là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để xây dựng tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển toàn diện, ổn định, bền vững và công bằng.
Phấn đấu đưa Kon Tum trở thành một trong những tỉnh trung bình khá của cả nước; kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Kông, các nước láng giềng và ASEAN. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.
|
Tiếp tục phát triển tỉnh Kon Tum theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp, Dịch vụ, Nông nghiệp, Đô thị và Nông thôn.
Trong đó, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; Đô thị thông minh và Nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; Công nghiệp xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Dự thảo Quy hoạch đưa ra các đột phá về không gian lãnh thổ với định hướng phát triển 3 trung tâm đô thị: Đô thị trung tâm (thành phố Kon Tum và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ); Trung tâm đô thị phía Bắc (Ngọc Hồi - Bờ Y); Trung tâm đô thị phía Đông (thị trấn Măng Đen gắn với Khu du lịch Măng Đen).
Phát triển 3 hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị, gồm: Hành lang Quốc lộ 14 và cao tốc Bắc - Nam; hành lang Quốc lộ 24 và cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi và hành lang Quốc lộ 40B.
Phát triển 3 trung tâm động lực tăng trưởng, gồm: Thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
|
Trước đó, ngày 10/10, tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì, Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh (với điều kiện phải bổ sung, hoàn thiện).
Đây là bước tiến đặc biệt quan trọng trong quá trình lập và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Hồ sơ Quy hoạch tỉnh sau khi rà soát là đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn, việc lập Quy hoạch tỉnh là cơ hội để Kon Tum tổng kiểm kê, rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển, xác định các vấn đề mấu chốt, điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển tỉnh thời kỳ 2021-2030, từ đó đưa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và phân bổ không gian phát triển, phân bổ nguồn lực phát triển.
Nhìn lại giai đoạn 2011-2020, các ngành, địa phương của tỉnh đã nỗ lực triển khai có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20/4/2011). Từ đó tạo tiền đề để tỉnh Kon Tum phát triển mạnh mẽ, hài hòa, bền vững trong thời kỳ quy hoạch.
Quá trình thực hiện đã đáp ứng yêu cầu khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương và huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm đưa Kon Tum thoát khỏi tỉnh nghèo.
Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, việc lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Quan điểm xuyên suốt là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải chủ động kiến tạo sự phát triển cho địa phương trong tương lai, chứ không chỉ đưa ra giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, hay là thích ứng, đối phó với những khó khăn, thách thức.
Vì vậy, quá trình triển khai công tác lập thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh được tiến hành chặt chẽ và thận trọng; luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương.
Quá trình lập quy hoạch có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, chuyên gia xây dựng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.
Có sự tiếp thu sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn; lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư. Thực tế cho thấy, vai trò của cộng đồng đối với quy hoạch rất quan trọng, giúp cho quy hoạch mang tính khả thi, có tính thực tiễn cao, bởi được người dân đồng thuận, ủng hộ.
Quy hoạch tỉnh đã đưa ra được các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc; xác định các trọng tâm, đột phá và đưa ra được các nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện để tạo động lực phát triển trở thành một trong những trung tâm động lực của Vùng.
Tin tưởng rằng, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quy hoạch tỉnh sẽ là “bản vẽ” giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai, phát triển một cách đột phá, bền vững và sáng tạo.
Thành Hưng