Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà: Phát huy vai trò cộng đồng trong việc bảo vệ rừng

29/10/2017 19:40

​Mặc dù lâm phần trải rộng trên địa bàn các xã Đăk Psi, Đăk Ui, Ngọc Réo, Ngọc Wang (Đăk Hà), Ngọc Yêu (Tu Mơ Rông), Đăk Kôi, Đăk Tờ Re (Kon Rẫy), Đăk Tăng (Kon Plông), nhưng bằng việc tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà ngày càng quản lý bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà được tỉnh giao quản lý bảo vệ 21.326,78ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 19.379,12ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Để phát huy vai trò cộng đồng, Ban giao khoán 7.992,68ha rừng (giai đoạn 2016-2020) cho 21 cộng đồng ở các xã Ngọc Réo, Đăk Psi, Đăk Ui và Ngọc Yêu theo chính sách dịch vụ môi trường rừng.

Đến các khu rừng giao khoán cho cộng đồng ở xã Đăk Psi, Đăk Ui, Ngọc Yêu…, chúng tôi thấy rừng giáp với nương rẫy dân, nhưng không thấy có dấu hiệu bị xâm hại.

Vào thôn 13 xã Đăk Psi, chúng tôi gặp nhiều thành viên trong cộng đồng Xê Đăng tham gia bảo vệ rừng. Khoát tay chỉ về hướng rừng xanh biếc trước làng, A Phi Plíp bảo: Rừng do cộng đồng mình bảo vệ đó! Mấy năm trước, các hộ nhận khoán, kể từ năm 2016 khu rừng này được Ban giao khoán cho cộng đồng. Hàng tuần, các tổ trong cộng đồng luân phiên thay nhau tuần tra bảo vệ rừng.

Tiếp lời A Phi Plíp, A Điểm - Thôn trưởng thôn 13 nói rõ hơn: Cộng đồng thôn 13 có 78 hộ Xê Đăng, nhận khoán hơn 500ha rừng. Diện tích rừng nhận khoán rộng, hàng tuần bà con gói cơm đi tuần tra từ sáng đến chiều mới về đến nhà. Do rừng giáp với nương rẫy cộng đồng và cộng đồng thường xuyên đi tuần tra nên lâm tặc không dám phá rừng.

“Hàng năm cộng đồng nhận được bao nhiêu tiền từ nguồn dịch vụ môi trường rừng?” - tôi hỏi.

“Trước hộ nhận khoán, đến tháng 10/2016, Ban mới chuyển sang giao rừng cho cộng đồng. Vì vậy, 3 tháng cuối năm 2016, thôn nhận tiền và chia mỗi hộ chỉ được 300 nghìn đồng. Năm nay, nhận khoán bảo vệ cả năm, tiền dịch vụ môi trường rừng cộng đồng nhận chắc sẽ lớn hơn nhiều. Dự kiến cuối năm khi nhận tiền, thôn chia 50% số tiền cho các hộ; số tiền 50% còn lại làm quỹ phát triển thôn. Quỹ phát triển thôn sẽ được cộng đồng chi cho một số hộ vay vốn mở rộng sản xuất hoặc giải quyết khó khăn trong cuộc sống; sửa chữa cầu treo, mừng lúa mới…”-A Điểm chia sẻ.

Bàn về việc giao khoán rừng cho cộng đồng, A Hàn khẳng định, so với việc giao khoán theo hộ, việc giao khoán rừng cho cộng đồng các hộ nhận tiền dịch vụ môi trường rừng thấp hơn. Tuy nhiên, trong cộng đồng thôn 13, hộ nào cũng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Việc giao khoán này tạo ra tính công bằng và phát huy vai trò cộng đồng cùng tham gia bảo vệ rừng.

Nhận tiền bảo vệ rừng từ mấy năm về trước, nhiều hộ gia đình ở xã Đăk Psi đầu tư trồng cà phê. Ảnh: V.N

 

Trao đổi về nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, A Điểm khẳng định rằng, rừng có vai trò quan trọng cho cuộc sống, rừng chống xói mòn đất, hạn chế lũ lụt; rừng giữ nước, giữ môi trường trong lành…Qua nhiều năm thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, gắn quyền lợi với trách nhiệm, cộng đồng ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ rừng và không dám phá rừng nữa.

“Bây giờ làm nhà, sửa nhà, người dân chỉ chặt cây rừng trên rẫy, trong vườn. Rừng rất quý, cộng đồng thôn 13 cùng nhau giữ rừng lại cho mai sau”-A Phi Plíp bày tỏ thêm.

Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng, ông Trần Thanh Tân- Phó trưởng Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Đăk Hà khẳng định, ngoài việc giao khoán rừng cho cộng đồng, Ban còn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân tham gia bảo vệ rừng; tuần tra truy quét, bảo vệ rừng, nhất là ở các “điểm nóng”.

Thông qua việc thực hiện các chính sách này, tình hình vi phạm lâm luật trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà giảm đáng kể, đặc biệt từ đầu năm đến nay, không để xảy ra cháy rừng.

Phát huy vai trò của cộng đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà ngày càng bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác