“Bài toán” thu ngân sách

25/11/2023 06:08

Từ nay đến hết năm, với thời gian ngắn ngủi, tỉnh ta phải thu thêm 1.872 tỷ đồng, nếu muốn hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được HĐND tỉnh giao. Đây thật sự là bài toán nan giải, nhất là khi các khoản thu chính đều gặp khó.

Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước trong 11 tháng năm 2023 mới đạt 2.628 tỷ đồng, bằng 81% dự toán Trung ương giao và 58,4% dự toán HĐND tỉnh giao.

Ước thực hiện cả năm 2023 thu 4.200 tỷ đồng, đạt 129,4% dự toán Trung ương giao và bằng 93,3% dự toán HĐND tỉnh giao; đạt 103,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa là 2.347 tỷ đồng, đạt 55,8% dự toán; ước thực hiện cả năm thu 3.910 tỷ đồng đạt 132,4% dự toán Trung ương giao, đạt 92,9% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 105,1% so với cùng kỳ.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 281,7 triệu đồng, đạt 96,2% dự toán; ước thực hiện cả năm 290 triệu đồng, đạt 99,0% dự toán và bằng 88,9% so cùng kỳ.

Thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp sau khi trừ các khoản thu ước thực hiện thu cả năm 2.521 tỷ đồng, đạt 110,5% dự toán, đảm bảo theo dự toán HĐND tỉnh giao.

Dự báo nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp chế biến tăng vào cuối năm. Ảnh: TH

 

Nhìn lại cùng kỳ năm trước, công tác thu ngân sách khá “thong dong” vào cuối năm vì đã cơ bản “cán đích” ngoạn mục chỉ sau 11 tháng. Năm 2022, dự toán thu nội địa trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài chính giao 2.517 tỷ đồng, HĐND và UBND tỉnh giao 3.730 tỷ đồng, đến hết tháng 11 đã thu 3.622 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh, thu ngân sách là 1 trong 5 chỉ tiêu dự kiến đến cuối năm khó đạt. Nguyên nhân là do diễn biến tình hình thời tiết trong các tháng đầu năm 2023 nắng nóng và khô hạn, lượng mưa giảm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng điện và số thu nộp ngân sách.

Thị trường bất động sản trầm lắng cũng có tác động rất lớn đến tình hình thực hiện các dự án khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh, dẫn đến các khoản thu liên quan đến đất đai năm 2023 giảm sâu.

Đại diện Sở Tài chính cho hay, thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng hoạt động bán đấu giá đất không khởi sắc, diện tích đất đấu giá thành công rất ít, nên số nộp phát sinh rất thấp.

Cho đến hết 9 tháng đầu năm, thu từ các dự án khai thác quỹ đất chỉ đạt 6,9% dự toán (tương ứng hơn 86 tỷ đồng), ước thực hiện thu cả năm chỉ đạt 210 tỷ đồng, tương ứng 16,8% dự toán. Như vậy, hụt thu từ lĩnh vực này so dự toán HĐND tỉnh giao dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó thực hiện cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế của Quốc hội, Chính phủ, như giảm thuế GTGT xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, đã ảnh hưởng đến số thu nộp ngân sách năm 2023.

Như vậy, từ nay đến hết năm, với thời gian ngắn ngủi, nếu muốn hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được HĐND tỉnh giao, cần phải thu thêm 1.872 tỷ đồng.

Đây thật sự là bài toán nan giải, nhất là khi các khoản thu chính đều gặp khó. Trong điều kiện hiện nay, mục tiêu phấn đấu là thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ở mức cao nhất.

Trong đó, cần tiếp tục nỗ lực thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất. Muốn vậy, các đơn vị, địa phương phải tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các công trình, dự án trên địa bàn.

Đồng thời tăng cường các giải pháp để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để bố trí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Bên cạnh đó, nỗ lực tìm các khoản thu khác để bù đắp cho khoản hụt thu từ tiền sử dụng đất và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù dự báo không đạt dự toán, nhưng từ nay đến hết năm, sẽ có một số khoản thu tăng mạnh.

Trong đó có thể kể đến nguồn tăng thu từ các nhà máy thuỷ điện do phát điện lớn vào mùa khô; thuế VAT giải ngân vốn đầu tư công của các công trình, dự án từ nguồn vốn ngân sách (do tập trung thanh toán vào thời điểm cuối năm).

Thu thuế khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng được dự báo tăng, chủ yếu từ các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh và các nhà máy tinh bột sắn, do cuối năm sẽ hoạt động hết công suất, phát sinh số nộp lớn.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công để giải ngân vốn, từ đó tăng thu ngân sách. Ảnh: TH

 

Hoạt động xuất nhập khẩu cũng đang lấy lại nhịp tăng trưởng vào dịp cuối năm, chủ yếu thu thuế VAT từ các mặt hàng nhập khẩu thường xuyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cho rằng, các đơn vị, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023 được HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất.

Trong đó, Cục Thuế tỉnh bám sát các nguồn thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ nguồn thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu để tham mưu đảm bảo nguồn thu theo dự toán được giao.

Xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực loại thuế còn thất thu để kịp thời quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách. Rà soát, đôn đốc người nộp thuế nộp kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách theo đúng quy định.

Các sở, ngành, địa phương liên quan nắm bắt thường xuyên tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định, vững chắc, tạo ra lợi nhuận, từ đó giảm thiểu việc chậm nộp tiền thuế, nợ thuế.

Đẩy mạnh thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, khai thác khoáng sản, giải quyết tốt các thủ tục đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; rà soát lại thủ tục về giao đất, cho thuê đất, nhất là với các dự án khai thác khoáng sản, dự án thủy điện.

Có giải pháp tăng thu từ các công trình thủy điện, khai thác tài nguyên khoáng sản; tổ chức bán đấu giá các quỹ đất nhằm huy động cao nhất nguồn thu nộp ngân sách.

Thành Hưng

Chuyên mục khác