“Bài toán” môi trường trong chăn nuôi

26/12/2024 12:59

Chăn nuôi, dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn, luôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Nhưng nghịch lý là, chăn nuôi lại có thể tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe. Việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường cần những giải pháp hiệu quả hơn.

Tôi đến nhà người bạn ở một phường vùng ven chơi. Mới đến gần nhà đã thấy thoang thoảng mùi hôi. Khi bước vào cổng thì mùi hôi đã rất nặng. Tôi thảng thốt: Mùi hôi ở đâu ra thế anh? Như thế này sao mà chịu nổi.

Anh cười méo xẹo: Phía sau, sát vườn cao su ấy, có một gia đình nuôi heo, quy mô không lớn nhưng cũng không nhỏ. Có điều, họ không mấy bận tâm đến việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của những gia đình xung quanh. Nước rửa chuồng, chất thải dồn hết vào bể lộ thiên gần đó, bốc mùi hôi thối không tả nổi. Vào mùa mưa, nước chảy tràn ra vườn, ra đường, gây ô nhiễm môi trường.

Thế người dân ở đây không ý kiến với chủ hộ à? Hoặc là báo chính quyền xử lý chứ- tôi bức xúc nói.  

Anh nói: Có góp ý rồi, trực tiếp có, qua ban quản lý thôn có, báo cả lên phường. Nhưng chỉ khắc phục tạm được ít ngày, rồi đâu lại vào đó. Giờ đành phải chịu thôi. Khi bọn trẻ phàn nàn rằng, mùi hôi từ trang trại chăn nuôi heo bốc lên làm chúng “không dám hít thở mạnh”, người lớn cũng chỉ biết phẩy tay: Thôi, ráng chịu đi, biết sao giờ.

Chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: HL

 

Giờ muốn khắc phục triệt để chỉ có hai cách. Một, đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường bài bản, đảm bảo quy định. Hai, di dời đi nơi khác. Nhưng chủ hộ nói chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có vốn đầu tư hệ thống xử lý chất thải; di dời đi nơi khác cũng không được, vì không có quỹ đất- anh kể.

Rõ ràng là, việc cân bằng giữ lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đang là một “bài toán” khó. Vì dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn, thì đều có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Để giải “bài toán” ấy, thời gian qua, trong quá trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện “hàng rào kỹ thuật” thông qua yêu cầu về mức độ ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong chăn nuôi; xử lý chất thải đảm bảo môi trường.

Chỉ đạo các đơn vị, địa phương chú trọng chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Từ tháng 7/2024 đến nay không phát sinh đơn, thư khiếu nại, phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại các trang trại chăn nuôi heo

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 104 dự án/cơ sở chăn nuôi, trong đó 10 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 45 trang trại chăn nuôi quy mô vừa; 49 cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ.

Nhiều cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi, như chuồng trại khép kín; xử lý chất thải bằng công nghệ khí sinh học, chế phẩm vi sinh.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu là hộ gia đình, nhỏ lẻ manh mún, tự phát. Đáng chú ý là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẽ trong các khu dân cư vẫn khá phổ biến; phần lớn hộ chăn nuôi không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải theo quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.

Hỗ trợ người dân chăn nuôi bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường. Ảnh: H.L

 

Một số cơ sở chăn nuôi có áp dụng công nghệ cao (nuôi chuồng lạnh, đệm lót sinh học); có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (xử lý bằng bể biogas), nhưng vẫn phát sinh mùi hôi và nước thải, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là khu vực dân cư; phần lớn các cơ sở chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường.

Đáng chú ý, có 421 hộ gia đình chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi. Tuy nhiên, việc vận động di dời gặp khó khăn, vì một số hộ không có quỹ đất để di dời, hoặc khó chuyển đổi ngành nghề khác do hết tuổi lao động.

Nhưng không thể cấm người dân chăn nuôi, cũng không thể đóng cửa các cơ sở chăn nuôi. Vì thế, hiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương triển khai xác nhận hiện trạng chuồng trại chăn nuôi; tổ chức cho các hộ dân viết cam kết không cơi nới, tăng đàn, cũng như chấm dứt hoạt động chăn nuôi trước ngày 31/12/2024.

Chăn nuôi có thể tác động rất lớn đối với sức khỏe môi trường nếu không được quản lý đúng cách. Và việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường trong chăn nuôi cần những giải pháp hiệu quả hơn.

Trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và khuyến khích người chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô trang trại. Hướng dẫn, hỗ trợ hộ gia đình chăn nuôi vệ sinh chuồng trại; thu gom triệt để chất thải và xử lý đúng cách.

Khuyến khích áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tận dụng chất thải ủ thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho trồng trọt; xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải.

Quyết liệt di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường, vệ sinh thực phẩm và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Yêu cầu các trang trại chăn nuôi chủ động thực hiện xử lý chất thải như quy hoạch, xây dựng chuồng, trại; xây dựng hệ thống hầm biogas; ủ phân bằng phương pháp sinh học cùng với việc che phủ kín; xử lý nước thải bằng cây thủy sinh; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.

Đi cùng đó là tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là trong thực hiện thủ tục cấp giấy phép môi trường. Huy động sự tham gia của báo chí và người dân trong việc phát hiện, đấu tranh với các trường hợp vi phạm. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác