“Bài toán” bồi thường khi thu hồi đất

09/06/2023 06:15

Thu hồi đất chưa bao giờ là dễ dàng, bởi yếu tố quyết định là bồi thường, hỗ trợ tái định cư lại rất khó khăn và phức tạp. Có thể nói, chính những bất cập trong bồi thường khi thu hồi đất dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Thu hồi đất để triển khai các dự án là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng  tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, hoàn thiện theo Luật Đất đai năm 2013.

Những quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước bảo đảm ngày càng tốt hơn lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm qua, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được tổ chức triển khai thực hiện cơ bản tốt, đúng quy định.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, phần lớn khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được tích cực, chủ động giải quyết, xử lý theo thẩm quyền, góp phần quan trọng đảm bảo triển khai các công trình, dự án theo kế hoạch và tiến độ.

Còn nhiều bất cập cần tháo gỡ trong bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất. Ảnh: H.L

 

Nhìn chung, các dự án đầu tư có thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đều được công khai, minh bạch. Chính quyền địa phương phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi triển khai dự án đầu tư cho nhân dân.

Mặt khác, tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề bất cập, nảy sinh trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai thực hiện các dự án.

Từ đó kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tuy nhiên, thu hồi đất chưa bao giờ là dễ dàng, bởi yếu tố quyết định là bồi thường, hỗ trợ tái định cư lại rất khó khăn và phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh khiếu kiện.

Thực tế cho thấy, các vụ khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến bồi thường, tái định cư luôn chiếm tỉ lệ lớn. Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 5 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh nhận 22 đơn khiếu nại, trong đó chủ yếu là khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc áp dụng các chính sách cho các tổ chức, cá nhân được bồi thường có lúc, có nơi chưa phù hợp quy định; thiếu nhất quán trong áp giá bồi thường, chính sách tái định cư và các khoản hỗ trợ khác, dẫn đến tình trạng khiếu nại, so bì giữa các hộ dân.

Bên cạnh đó, Điều 74, Luật Đất đai năm 2013 quy định, khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi, do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

Quy định rõ ràng là thế, nhưng khi triển khai phát sinh vấn đề một số trường hợp bị giải tỏa toàn phần, được bố trí tái định cư tại một nơi khác không đáp ứng quy định “nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, dẫn đến cuộc sống bị xáo trộn. Đây cũng là khởi đầu cho những khiếu kiện dai dẳng của người dân bị thu hồi đất.

Vấn đề gây bức xúc nữa là hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách bồi thường khi thu hồi đất để trục lợi cá nhân.

Đơn cử vụ cán bộ Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh bắt tạm giam (tháng 4/2023) về hành vi "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất" trong dự án Chỉnh trang đô thị tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum.

Theo hồ sơ, trong đợt thứ 4 thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất thực hiện dự án trên, có diện tích đất cần thu hồi là gần 10ha (của 7 hộ dân thuộc địa bàn thôn 2, xã Hòa Bình). UBND thành phố Kon Tum có quyết định bồi thường, hỗ trợ với tổng chi phí trên 19,7 tỉ đồng.

Riêng hộ ông NTS chỉ có 3,4ha đất nhưng được cán bộ Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum “phù phép” chi đến 10,7 tỉ đồng đền bù, vượt giá trị nhiều lần.

Hành vi vi phạm này, nếu không được giải quyết triệt để, sẽ dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Khu vườn được đền bù vượt giá trị nhiều lần ở dự án tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch Khu công nghiệp Sao Mai. Ảnh: H.L

 

Bởi người dân có thể hy sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất vì lợi ích chung, nhưng sẽ không bao giờ chấp nhận việc thu hồi đất để tạo điều kiện cho tham nhũng, tư túi, cho lợi ích nhóm.

Rõ ràng là, để giải “bài toán” bồi thường khi thu hồi đất, cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quá trình quyết định giá đất cụ thể. Bởi họ không thể đứng ngoài cuộc khi người khác định giá tài sản do mình sử dụng.

Nâng cao chất lượng và trách nhiệm đội ngũ cán bộ tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Khắc phục tình trạng chuyển đơn thư của công dân lòng vòng hoặc chậm giải quyết, né tránh trách nhiệm.

Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, vi phạm trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Và đặc biệt, cần quán triệt rõ quan điểm là sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư, người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn.

Hồng Lam

Chuyên mục khác