09/08/2017 08:01
Lửa thử vàng
Đầu tháng Tám, đúng vào cữ mưa nhiều. Cứ xuyên mưa đi mãi rồi chúng tôi cũng đến được trụ sở Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đứng chân trên địa bàn xã Ia Tơi, huyện biên giới Ia H’Drai.
Giám đốc Trương Ly đón khách bằng cái ôm thân tình. Đây mới là lần thứ 2 tôi có dịp thăm các anh, lần trước là vào năm 2007, khi công ty mới được thành lập, bắt đầu những bước “dò đường” trên vùng đất mới này.
Thoắt cái mà đã 10 năm trôi qua. Hơn 3.600 ngày gian khó nhưng luôn tràn đầy sự năng động và đổi mới. Bây giờ, người cũ còn đây nhưng cảnh đã đổi khác! Cơ ngơi khang trang, bề thế đã thay cho những căn nhà lá lụp xụp nép bên rừng le, từ 5 anh em đi tiên phong năm nào, nay đã là tập thể lớn mạnh với hơn 530 cán bộ, kỹ sư, công nhân, quản lý vườn cây rộng hơn 5.175ha, trong đó có 1.520ha đã đi vào khai thác...
|
Thế rồi, ký ức những năm tháng gian khó ùa về. Càng nghe, tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của những người đã đánh thức cả dải đất biên cương bằng màu xanh cao su bạt ngàn hôm nay.
Anh Lê Đình Bửu - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty nhớ lại: Khi ấy, đại ngàn Mô Rai (đang thuộc huyện Sa Thầy) hoang vu lắm, không có đường đi, lối lại, hiếm khi gặp bóng người. Bước chân đến nơi, ngay cả người lạc quan nhất cũng phải thấy ngán ngại. Chẳng ai dám mơ đến cái ngày vùng biên viễn này “lột xác”.
Đúng là lửa thử vàng. Nhắc đến mới nhớ, anh Tiến chính là 1 trong 5 người đi tiên phong, với vị trí Giám đốc công ty, thực hiện dự án đầu tư phát triển cây cao su tại địa bàn xã Mô Rai thuộc huyện Sa Thầy (nay là huyện Ia H'Drai). Khi ấy, UBND tỉnh Kon Tum đồng ý cho chuyển đổi 6.440,3ha rừng nghèo nằm dọc đường biên giới với tỉnh Rattanakiri (Vương quốc Campuchia).
Sau khi Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho phép Công ty CP Mang Yang - Rattanakiri thành lập Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray để triển khai dự án, 5 anh em chúng tôi khăn gói lên đường. Đúng vào mùa mưa, đất cứ nhão nhoét ra, đướng sá không có, toàn cắt rừng mà đi... Rồi bom mìn sót lại, chất độc hóa học; mùa mưa bị cô lập, chia cắt hoàn toàn đã khiến những người can trường nhất cũng có lúc nản lòng - anh Tiến kể.
Khi nhận nhiệm vụ, không phải không có những băn khoăn. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi đường giao thông quá đỗi gian nan, vào không dễ mà ra lại càng khó, sau này đi lại, vận chuyển vật tư, cây giống thế nào? Những đêm nằm rừng, Giám đốc Tiến và cộng sự đã luôn đau đáu trong lòng những câu hỏi: Đường xa dặm thẳm, liệu có trụ nổi không? Thiên nhiên khắc nghiệt như thế, liệu cây cao su có sống không? Sống có cho mủ không?
Nhưng rồi niềm tin và kinh nghiệm đã giúp các anh tìm được câu trả lời. Các anh khẳng định cây cao su sẽ sống tốt và cho mủ ở Mô Rai. Tin các anh, lãnh đạo Công ty “mẹ” nhất trí dồn tâm sức, vốn liếng để đưa cây cao su vào Mô Rai. Tính ra, sau 10 năm, đến nay, vốn liếng đổ vào cây cao su vùng biên đã lên đến 900 tỷ đồng.
Bài ca Chư Mom Ray
Không ai tin vào phép lạ, nhưng ai cũng tin rằng, sức lực, ý chí con người có thể làm nên những điều kỳ diệu. Những thành quả của ngày hôm nay, sự phát triển ổn định và bền vững hôm nay chính là điều kỳ diệu nhất mà Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã làm được.
Sẽ dễ hình dung hơn nếu chúng ta “chia” chặng đường 10 năm sau ngày thành lập của Công ty thành những giai đoạn ngắn hơn. Có thể nói, giai đoạn 2007- 2013 chính là giai đoạn xây dựng nền móng, định hình cho sự ổn định và phát triển sau này, đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất, quyết liệt nhất. Vượt qua muôn ngàn gian khó, diện tích vườn cây tăng dần lên từng năm, đội ngũ công nhân cũng đông dần lên. Đến năm 2013, diện tích vườn cây của công ty đạt 3.660,89ha; thành lập 3 nông trường trực thuộc với 537 cán bộ, công nhân viên.
Trong giai đoạn này, thêm một mốc son trong lịch sử của Công ty: tháng 4/2010, Chi bộ Đảng của đơn vị được thành lập với 6 đảng viên. Trong quá trình lãnh đạo đơn vị, Chi bộ không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đến tháng 9/2015, thành lập Đảng bộ với 47 đảng viên và chuyển sinh hoạt về trực thuộc Đảng bộ huyện Ia H'Drai. Đến nay, Đảng bộ có 66 đảng viên; được Tỉnh uỷ Kon Tum tặng Cờ thi đua “Đảng bộ trong sạch vững mạnh 5 năm liền (2011-2015)”.
Theo Giám đốc Trương Ly, năm 2014 mở đầu cho quá trình bứt phá của đơn vị với sự kiện đưa vào khai thác 100ha cao su trồng năm 2008, rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản được 1 năm so với quy định. Dòng “vàng trắng” bắt đầu tuôn chảy, đem lại sức bật mới cho vùng biên. Đến nay, Công ty đã đưa vào khai thác 1.520ha, dự kiến sản lượng đạt 1.500 tấn, và đến năm 2020 sẽ là 4.500ha, sản lượng đạt 6.300 tấn.
Năng suất cũng tăng dần qua từng năm, nếu như năm thứ nhất mới được 8 tạ/ha thì năm thứ 2 đạt 1 tấn/ha, năm thứ 3 đạt 1,2 tấn/ ha và năm thứ 4 đạt 1,5 tấn/ha. Mùa cạo thứ 5 này, đơn vị phấn đấu đạt năng suất từ 2 tấn/ha trở lên.
Cũng trong giai đoạn này, Công ty nhận sang nhượng 1.534,6ha cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đăk Lăk (chi nhánh Kon Tum), trong đó có 597ha tái canh trồng mới năm 2015, nâng tổng diện tích của công ty lên 5.175,25ha và thành lập thêm 1 nông trường. Đầu tư 69,2 tỷ đồng xây dựng trụ sở công ty, 4 nông trường trực thuộc và 27 nhà tổ sản xuất, 250 căn nhà cho công nhân (42m2/căn)...
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến mối quan hệ keo sơn giữa công nhân với Công ty. Sự gắn bó ấy được hình thành và vun đắp từ những tháng ngày vượt khó ươm mầm xanh nơi biên cương, từ sự chăm lo chí tình của đơn vị đối với từng người.
Những ngày đầu tiên trồng mới cây cao su vô cùng gian nan, cơ cực. Từng đội sản xuất, mỗi con người ai cũng có tâm sự riêng chung. Vào Mô Rai lập nghiệp, xa gia đình, cha mẹ, ông bà, làng xóm, lại gặp thời buổi khó khăn, cao su xuống giá, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tinh thần của công nhân. Liệu có trụ được ở vùng đất mới không? Câu hỏi xoáy vào tâm tư mỗi người.
|
Nhưng những bàn chân trần tiếp tục bước từng bước vững chắc, những mầm cây mọc xanh từ ý chí con người. Cây dựa vào cây, bật mầm, vươn lá. Người dựa vào người, ấm áp, nghĩa tình... Đa số trong họ đã không bỏ cuộc. Hơn 500 con người vẫn kiên trì bám trụ với doanh nghiệp, thủy chung với vườn cây, bởi một niềm tin: lãnh đạo doanh nghiệp luôn đồng hành với họ, cây cao su sẽ trả nghĩa cho họ.
Ngay cả trong những ngày gian nan nhất, Công ty luôn cố gắng thực hiện chi trả tiền lương kịp thời cho công nhân, với mức bình quân hơn 2 triệu đồng/tháng (công nhân chăm sóc) và hơn 4 triệu đồng/tháng (công nhân khai thác). Để người lao động yên tâm lập nghiệp nơi vùng quê mới, công ty đã đầu tư 34,5 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt đến các nông trường và khu dân cư; đầu tư xây dựng hệ thống nhà trẻ ở các nông trường; hỗ trợ kinh phí làm nhà; tặng mái ấm công đoàn cho gia đình công nhân nghèo...
Tôi cực kỳ ấn tượng với câu khẩu hiệu mà anh Trương Ly đọc cho tôi nghe khi nhắc đến những gia đình công nhân của mình “công nhân giàu thì doanh nghiệp mạnh”. Đó là tôn chỉ, là mục tiêu của tập thể công ty- anh khẳng định chắc nịch.
Suốt đêm chuyện trò, tôi từng ước ao mãi mình là một nhạc sĩ để viết một bản nhạc ca ngợi những người đi xây dựng nông trường. Nhưng đến khi đi thăm các hộ gia đình công nhân, tôi lại nghĩ, bản thân họ, bằng ý chí, nghị lực, mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu và nước mắt, đã viết nên Bài ca Chư Mom Ray.
Một ngày mới lại đến trên đất Ia H’Drai!
Nhộn nhịp, tưng bừng, sung sức từng dòng nhựa trắng. Những người trồng cao su ở Mô Rai trước đây và Ia H’Drai hôm nay đã đi được một chặng đường. 10 năm - một chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng rất đỗi tự hào trên vùng đất biên cương.
Rời Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, tôi đi dưới miên man rừng cao su mà tâm trí cứ để mãi ở nơi cô công nhân có nụ cười tỏa sáng cả chiều mưa lướt thướt nơi miền biên viễn. Cũng như bao người, khi chứng kiến sự thay đổi kỳ diệu của vùng biên, tôi đã đi từ ngạc nhiên, bất ngờ đến khâm phục những người anh, người chị, người em luôn nở nụ cười hiền hậu ấy. Với đôi bàn tay và lòng quyết tâm, họ đã làm nên một huyền thoại mới ca ngợi sức lực, ý chí của con người...
Thành Hưng