27/09/2018 07:02
Ông A Hiếu, 48 tuổi (làng Kon Gung, xã Đăk Mar) xuất thân từ hộ nghèo, cha mất khi ông còn nhỏ (2 tuổi), mẹ lấy chồng khác, phải ở nhờ nhà bà chị. Đến tuổi trưởng thành, sau khi lấy vợ và ở riêng, tài sản duy nhất của vợ chồng chỉ có hơn 1ha đất canh tác do cha mẹ để lại để làm ăn sinh sống.
Được cán bộ của Hội Nông dân huyện quan tâm, thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện tín chấp cho vay vốn ngân hàng, tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau gần 20 năm chí thú làm ăn, đến nay, A Hiếu đã có 9ha đất canh tác; trong đó có 7ha cây cà phê, 2ha cây bời lời và cây cao su, nuôi 4 con bò sinh sản. Ông còn mua sắm 4 chiếc phà trị giá hơn 3 tỷ đồng để phục vụ bà con đi lại trên sông Pô Kô. Hiện nay, tổng thu nhập của gia đình từ 1,5-2,5 tỷ đồng/năm; trong đó tiền lãi thu được từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm từ các loại cây trồng, chăn nuôi, kinh doanh vận tải. Cuối năm 2017, ông là đại diện nông dân duy nhất của tỉnh và là 1 trong 87 nông dân tiêu biểu toàn quốc được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”.
Bà Nguyễn Thanh Huyền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Hà cho hay: Để giúp nông dân vượt khó, làm giàu, hằng năm, Hội thường xuyên phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tư vấn, hướng dẫn nông dân liên kết, xây dựng các tổ hợp tác, các mô hình kinh tế kết hợp với cây trồng và vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Cụ thể tại xã Ngọc Wang, Hội đã vận động nông dân xây dựng các mô hình như: cà phê-sầu riêng 19ha, cà phê-mít 12ha, cà phê-bơ 21ha, sầu riêng-bơ 11ha… Hoặc tại thôn Đăk Lợi (xã Đăk Ngọk), đã xây dựng được 7 mô hình đa canh kết hợp trồng cà phê, rau sạch và chăn nuôi của các hộ Đặng Văn Duẩn, Nguyễn Thị Cúc, Lê Tiến Sỹ, Phạm Đức Thuận…, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ các chi phí đầu tư.
Bà Huyền thông tin: Nhiệm kỳ 2013-2018, Hội đã phát động, hội viên, nông dân hưởng ứng tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; kết quả hàng năm có trên 2.000 hộ nông dân đăng ký tham gia. Đến nay, toàn huyện có 1.873 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó cấp cơ sở 1.278 hộ, cấp huyện 435 hộ, cấp tỉnh 92 hộ, cấp Trung ương 68 hộ.
|
Ngoài ra, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho 2.040 hộ nông vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế với tổng số tiền dư nợ đến nay là 72,526 tỷ đồng. Mặt khác, Hội còn phối hợp với các công ty cung ứng phân bón tín chấp cho nông dân vay trên 6.000 tấn phân bón với hình thức trả chậm, giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện chăm sóc tốt các loại cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Hội còn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 77 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cho gần 3.000 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 350 buổi hội thảo đầu bờ về kỹ thuật bón phân đối với các cây trồng cho 38.380 lượt người. Bên cạnh đó, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; kết quả đến nay đã thành lập được 30 mô hình kinh tế trang trại, 71 tổ hợp tác, 17 nhóm hộ liên kết sản xuất.
Có thể nói, nhờ làm tốt vai trò “bà đỡ” cho hội viên, nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đăk Hà đã chung tay góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Kết quả là số hộ nghèo giảm từ 4-5%/năm (cuối năm 2017 giảm còn 20,51%), số hộ khá và giàu tăng lên; thu nhập bình quân đầu người dự kiến đạt gần 40 triệu đồng năm 2018. Nhờ đó, kinh tế - xã hội của huyện Đăk Hà có sự phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân ngày càng được nâng cao hơn trước.
Bài, ảnh: Quang Định