14/05/2022 06:02
Những ngày cuối tháng 4, ở Đăk Môn (huyện Đăk Glei) thường có những cơn mưa bất chợt vào buổi chiều. Sau buổi tập dượt, chuẩn bị cho Đại hội Đoàn xã Đăk Môn vừa kết thúc, A Quỳnh vội vàng quay lại rẫy để chăm sóc vườn cao su của gia đình. Cũng giống như mọi lần, A Quỳnh thoăn thoắt đôi tay làm sạch phần cặn còn sót lại trong những chén đựng mủ cao su. Xong xuôi, anh lại tạt qua vườn cà phê để thăm nom, làm cỏ… Cứ tất bật như thế cho đến khi trời tối, A Quỳnh mới trở về nhà.
Căn nhà cấp 4 khang trang của A Quỳnh ở cạnh nhà rông của thôn. Với biểu cảm rạng rỡ trên khuôn mặt, A Quỳnh chỉ tay về “chiến công” của mình: Căn nhà tôi mới sửa lại năm ngoái đấy! Thời gian thi công chỉ tầm 5 tháng thôi, nhưng kinh phí cũng trên 600 triệu đồng. Nhà có phòng học riêng cho các con; tiện nghi sử dụng trong gia đình như ti vi, tủ lạnh… cơ bản cũng đủ đầy cả rồi. Đây chính là công sức của cả 2 vợ chồng trong những năm qua.
Thay chiếc áo vải cũ đã sậm màu bởi mồ hôi, A Quỳnh bắt đầu chia sẻ về quá trình làm lụng, phát triển kinh tế trên vùng đất khó.
|
Bắt đầu từ cây cao su, đây là loại cây kinh tế chính của gia đình. Trên diện tích 1,2ha anh đã trồng 700 cây cao su, trong đó 400 cây đã khai thác 12 năm và 300 cây đã khai thác 8 năm.
Bấm tay nhẩm tính, A Quỳnh cho biết, trung bình, vườn cao su mang về cho gia đình anh khoảng 20 triệu đồng/tháng. Nếu trừ 3 tháng cao su thay lá, thì trong một năm, thu nhập của anh từ nguồn này khoảng 180 triệu đồng. Số tiền này được anh dành dụm, tích góp để làm nguồn vốn xoay vòng, tiếp tục đầu tư vào cây cao su và các loại cây công nghiệp khác. Dự tính trong năm nay anh sẽ mở rộng thêm diện tích, đầu tư thêm 600 cây nữa.
A Quỳnh bật mí: “Một trong những cây trồng gây khó cho tôi nhất chính là cà phê. Biết đến hiệu quả kinh tế từ loại cây này, vào năm 2016, tôi đã bỏ công tìm tòi, học hỏi kỹ thuật để trồng thử 400 gốc cà phê. Người ta bảo “chăm cà phê như chăm con mọn” quả không sai. Dù đã có sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ thuật, nhưng đó chỉ là lý thuyết, còn trên thực tế, không đơn giản chút nào. Nhớ mùa cà phê dịp cho thu bói, tôi gần như mất trắng, chẳng thu lại được gì.
|
Không nản chí từ thất bại của mình, A Quỳnh tự đúc rút kinh nghiệm, tìm ra những nguyên nhân sai sót để khắc phục. Trời không phụ lòng người, năm 2018, A Quỳnh đã có thêm nguồn thu từ vườn cà phê. Từ đó đến năm 2020, trung bình mỗi năm, vườn cà phê đem về cho anh khoảng 35 triệu đồng.
“Năm 2021, xã Đăk Môn là một trong những địa bàn “nóng” về dịch bệnh Covid-19. Tại thôn Đăk Tum, có thời điểm các hộ gia đình đều phải cách ly ở nhà. Gia đình tôi cũng không phải ngoại lệ, vườn cà phê không ai chăm sóc, tưới tiêu nên bị thiếu nước, chết hết cả. Năm nay gần như tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Tuy nhiên, nhờ đã nắm được cơ bản những kiến thức, kỹ thuật về canh tác, nên tôi tự tin mình có thể gây dựng lại được vườn cà phê và phát triển tốt hơn trước” – A Quỳnh tâm sự.
Ngoài các cây trồng trên, A Quỳnh còn trồng 1,1ha mì. Trung bình mỗi vụ mì anh thu về khoảng 70 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền địa phương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, A Quỳnh đã có nhiều suy nghĩ, quyết định mới cho bản thân.
A Quỳnh tâm sự: Dù cây mì mang cho tôi nguồn thu ổn định, nhưng dần dà nếu tiếp tục canh tác loại cây này, đất sẽ bạc màu. Điều này dẫn đến nguồn thu giảm dần theo thời gian; về lâu dài, tôi không thể trồng thêm bất kỳ loại cây nào khác. Vì lý do đó, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. Cụ thể, vào cuối tháng 5 này, tôi sẽ loại bỏ mì, để trồng cao su, dù thời gian tới, tôi sẽ mất đi một nguồn thu, nhưng đây là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả lâu dài.
Với bản tính cần cù, chịu khó, biết tận dụng sức trẻ của mình trong lao động sản xuất và công tác, tin rằng A Quỳnh sẽ ngày càng gặt hái được nhiều trái ngọt trong chặng đường tới.
Tất Thành