20 năm đồng hành cùng người nghèo

20/09/2022 06:05

Là một phóng viên được giao bám ngành, cơ sở về các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo, tôi có dịp nghe và chứng kiến nhiều mảnh đời khó khăn với những câu chuyện về sự đổi thay, vượt qua nghịch cảnh cuộc sống. Sau mỗi câu chuyện thành công ấy là nhờ vai trò to lớn của Đảng và Nhà nước, mà trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách là một công cụ đắc lực, trở thành “điểm tựa” vững chắc cho các hộ nghèo vươn lên.

Nhiều kết quả khởi sắc

Nhiều năm trước, khi có những chuyến đi về cơ sở, nhất là những thôn làng người đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, chúng tôi thường xuyên phải vượt qua những con đường giao thông trắc trở, khói bụi mịt mù. Trên những con đường ấy là những căn nhà tạm bợ, mái ngói cũ kỹ, chật chội cùng điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn của người dân nghèo nơi đây. Những vườn tược đìu hiu cây trái, chuồng trại chăn nuôi tạm bợ, gia súc thả rông; thiếu nước sạch, công trình vệ sinh không đảm bảo...là những hình ảnh cho thấy chất lượng cuộc sống của người dân lúc bấy giờ còn rất nhiều khó khăn.

Nhưng nay đã khác. Những vùng đất một thời khó khăn, thiếu thốn ngày trước nay đã “thay da đổi thịt”. Trở về thăm lại, chúng tôi ấn tượng và vui mừng khi đời sống của bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa đã không ngừng nâng cao. Thôn, làng giờ đây đã có những con đường nông thôn mới trải bê tông phẳng lì, nhộn nhịp qua lại những chuyến xe chở nông sản của bà con đi buôn bán; những dãy nhà kiên cố mọc lên san sát với khu vườn hoa khoe sắc thắm; cây trồng tươi tốt đang vào mùa thu hoạch; những đàn gia súc, gia cầm từ các chương trình, dự án cấp cho bà con không ngừng sinh sôi, nảy nở...

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum trao đổi kinh nghiệm với Ngân hàng Chính sách Lào Chi nhánh Attapư tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: H.T

 

Có được những đổi thay ấy là nhờ Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án chính sách, mục tiêu quốc gia; nhất là chương trình tín dụng CSXH của Chính phủ giao cho NHCSXH thực hiện hơn 20 năm qua, đã trở thành nguồn lực quan trọng đồng hành cùng người nghèo trên con đường thoát nghèo bền vững.

Đến nay, cùng với các nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương chuyển sang, sự tích cực huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nguồn vốn và các chương trình cho vay của NHCSXH tỉnh không ngừng lớn mạnh. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu với dư nợ chỉ 72,5 tỷ đồng, đến nay NHCSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 17 chương trình với tổng doanh số cho vay đạt 8.790 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2022, tổng dư nợ đạt 3.545,4 tỷ đồng (tăng 47,9 lần so với năm 2002) với 67.920 hộ còn dư nợ; tăng trưởng tín dụng đạt bình quân 23,4%/năm; tổng nguồn vốn gần 3.554 tỷ đồng (tăng 38,1 lần so với ngày đầu thành lập)...

Nhờ làm tốt công tác tín dụng chính sách đã góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương. Ảnh: H.T

 

Với sự lớn mạnh không ngừng, sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp gần 376,5 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; giúp hơn 78 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; sửa chữa nâng cấp trên 119,5 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 56,5 nghìn lượt hộ tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 35 nghìn lao động; trên 20,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 10,5 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách; hỗ trợ 512 lao động thuộc gia đình chính sách vay vốn xuất khẩu lao động; xây dựng 490 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP...       

Nguồn vốn tín dụng chính sách còn ưu tiên đầu tư, giúp đỡ tích cực cho 3 huyện nghèo của tỉnh đẩy nhanh quá trình phát triển ổn định, bền vững. Trong đó, huyện Kon Plông giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 73% xuống 11,59% (giai đoạn 2011-2021); huyện Tu Mơ Rông giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 82% xuống 8,08% (giai đoạn 2011-2021); huyện Ia H’Drai giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 55,14% xuống còn 19,83% (giai đoạn 2016 – 2021).

Sau 20 năm, những thành quả đạt được trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã đóng góp quan trọng, giúp tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 38,63% năm 2006 xuống còn 6,32% vào cuối năm 2021. Ngoài ra, góp phần xây dựng 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 29 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 3 xã đạt 8 tiêu chí.

“Kim chỉ nam” trong hành động

Có dịp gặp ông Lê Danh Thứ - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, tôi đem những chuyện vui, sự đổi thay tích cực ấy để kể lại. Ông Lê Danh Thứ cũng rất vui mừng, chia sẻ rằng: “Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự giải quyết nhiều vấn đề từ “gốc”; giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất, quê hương của mình. Những thành quả ấy có được, bên cạnh sự cố gắng của đội ngũ quản trị, điều hành và cán bộ nhân viên làm công tác tín dụng chính sách của tỉnh, thì vai trò nòng cốt là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”.

Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã trở thành “kim chỉ nam” cho các hoạt động tín dụng chính sách, hỗ trợ tích cực cho nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả. Theo đó, hơn 20 năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, quán triệt về tầm quan trọng của dòng vốn chính sách, xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Đồng thời, một điều quan trọng nữa là luôn có sự chung tay, đồng hành của các cấp ủy, chính quyền địa phương; đặc biệt là việc ưu tiên, bố trí nguồn vốn ngân sách để ủy thác qua NHCSXH tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tích cực trong các hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng. Ảnh: H.T

 

Nhờ có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, nguồn vốn ủy thác của địa phương tại NHCSXH tỉnh đã tăng 142 tỷ đồng (tăng 17 lần) so với khi chưa có chỉ thị, giúp nâng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 31/8/2022 đạt 150,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến 31/8/2022, nguồn vốn cho vay tăng gần 2.111 tỷ đồng (tăng bình quân 12%/năm) với tỷ lệ nợ quá hạn từ 2,1% (năm 2014) giảm xuống còn 0,18%. Nhờ nguồn vốn này, đã giúp cho gần 10.000 lượt hộ nghèo được vay vốn; 384 hộ thoát ngưỡng nghèo; 167 hộ được vay vốn theo Đề án cho vay tiêu dùng; 18 lao động vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Theo ông Lê Danh Thứ nhận định, đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, của ngân hàng cấp trên, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, thì tinh thần nỗ lực, tận tụy, trách nhiệm của người làm công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh rất đáng ghi nhận. Họ cùng với sự đồng hành của 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn là những “cánh tay nối dài” của tín dụng chính sách, qua đó tận tâm phục vụ, ngày đêm bám sát cơ sở để chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Hiện nay, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp của NHCSXH trên địa bàn tỉnh gồm 227 thành viên, trong đó, cấp tỉnh có 12 thành viên, cấp huyện, thành phố có 215 thành viên. Cùng việc thực hiện ủy thác một số nội dung công việc qua 4 tổ chức chính trị-xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh hiện duy trì hiệu quả 102 điểm giao dịch tại 102 xã, phường, thị trấn với 1.674 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh. Đây chính là những “cầu nối”quan trọng giữa ngân hàng và người vay để đảm bảo sự công khai, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu và tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi tốt nhất.

Ông Lê Danh Thứ cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 268/KH-UBND, ngày 26/1/2022 của UBND tỉnh về nâng cao vai trò, nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị trong hoạt động tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, tập trung huy động nguồn lực của Trung ương, địa phương để đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguồn vốn; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; đẩy mạnh thông tin, truyền thông các chính sách tín dụng ưu đãi... Qua đó, là “cầu nối” quan trọng mở ra nhiều cơ hội cho các đối tượng nghèo, khó khăn trong xã hội vươn lên, đổi thay từng ngày. 

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác