17/10/2017 06:17
12 năm qua (từ 2005 đến nay), trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã có gần 2.000 lượt hộ vay vốn tín dụng chính sách thoát khỏi hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay xuống còn gần 65% (theo chuẩn mới).
Không phải ngẫu nhiên mà Tu Mơ Rông đạt được thành tích cao trong công tác giảm nghèo như vậy. Điều đó xuất phát từ việc huyện Tu Mơ Rông đã có những chủ trương đúng đắn, biết kết hợp hiệu quả và đồng bộ các chính sách phục vụ cho công tác giảm nghèo.
Chẳng hạn như để nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác xây dựng mạng lưới rộng khắp đến tận các thôn làng và đã thành lập được 11 điểm giao dịch tại các xã, 135 tổ tiết kiệm vay vốn tại các thôn làng.
Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện cho gần 11.000 lượt hộ nghèo được vay vốn với doanh số cho vay đạt gần 178 tỷ đồng. Đa số các hộ nghèo vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, chủ yếu đầu tư phát triển sản xuất và chăn nuôi…
|
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tiến hành cho gần 800 lượt hộ cận nghèo vay vốn với số tiền hơn 27,2 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Từ nguồn vốn đó, người dân đã phát triển được hơn 4.200 con bò, hơn 2.230 con trâu, hơn 60ha bời lời, hơn 50ha cà phê và hàng chục héc ta cây dược liệu…
Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nên nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu. Điển hình như chị Y Bắp ở thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng), chị Y Xai thôn Chung Tam (xã Măng Ri), anh A Trường thôn Đăk Plò (xã Đăk Rơ Ông)…
Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, huyện Tu Mơ Rông còn thường xuyên chỉ đạo các cơ quan như Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chính quyền các xã tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Đảng và Nhà nước đến các hộ nghèo; thực hiện hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình giảm nghèo để nhân dân học tập…
Đồng thời, vận động nhân dân đẩy mạnh việc thâm canh tăng năng suất, đưa các loại cây con, giống mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện vào sản xuất như cây cà phê xứ lạnh, bời lời, các loại cây dược liệu…
Cùng với đó, huyện còn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là những lao động thuộc hộ nghèo với các nghề dân dụng, kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng; trang bị những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm để có thu nhập cho gia đình…
Đặc biệt, để khuyến khích hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, huyện đã có chính sách thưởng 5 triệu đồng/hộ cho các hộ thoát nghèo và cam kết không tái nghèo. Đây là chủ trương sáng tạo của huyện Tu Mơ Rông và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hết sức quan trọng, thời gian tới huyện Tu Mơ Rông tiếp tục quan tâm, thực hiện các giải pháp đồng bộ, thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để các hộ phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo một cách bền vững…
Phúc Nguyên