Tự hào là công dân Trường Sa

19/12/2014 08:54

Ở đảo, họ được chăm lo đầy đủ về vật chất, có lớp học cho con trẻ, có bác sĩ khám chữa bệnh. Mỗi gia đình còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về việc làm để tăng thêm thu nhập...

Có lẽ với tôi, may mắn nhất là được đến với Trường Sa không chỉ một lần. Ở tất cả những đảo nổi mà tôi đã đi qua, trong trí óc đều in đậm hình ảnh những người dân chất phác, thật thà, xung phong tình nguyện an cư trên các vùng đảo, ngày đêm sát cánh bên các chiến sĩ kiên trung, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bất cứ người nào mà tôi trò chuyện, kể cả những em học sinh đang học tiểu học, đều không giấu niềm tự hào mình là công dân Trường Sa…

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Gia đình anh Bùi Đình Khải và chị Trần Thị Nữ là trẻ nhất trên xã đảo Sinh Tồn. Sinh năm 1983, vốn là một cán bộ công tác tại thành phố Nha Trang, nhưng vì tình yêu với Trường Sa, Khải đã thuyết phục vợ và gia đình hai bên xung phong ra đảo. Trò chuyện với chúng tôi, anh Khải cho biết: Ngày ấy, thấy em quyết tâm ra đảo, vợ cũng đành đồng ý. Bố mẹ cũng không ngăn cản gì, chỉ lo ra đảo đời sống khó khăn, giữa mênh mông biển khơi thì sinh sống thế nào. Nhưng em nghĩ, người khác sống được thì mình cũng sống được. Bây giờ ở đảo, hai vợ chồng em tăng gia sản xuất, vừa trồng rau, vừa nuôi gà vịt… Cuộc sống ở đảo thật yên bình, khí hậu trong lành. Bây giờ đảo chính là quê hương của vợ chồng em rồi.

Quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn tưng bừng đón khách.Ảnh: A.T

 

Ở đảo, họ được chăm lo đầy đủ về vật chất, có lớp học cho con trẻ, có bác sĩ khám chữa bệnh. Mỗi gia đình còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về việc làm để tăng thêm thu nhập. Thiếu úy Trần Văn Học - trợ lý hậu cần ở xã đảo Sinh Tồn cho biết: Ở đây, bộ đội như thế nào thì dân như thế, đầy đủ hết, không thiếu thứ gì cả. Chúng tôi còn cung cấp ngư lưới cụ, thúng chèo, để người dân đánh bắt thêm hải sản, trước mắt là để cải thiện đời sống.

Không chỉ có nhà cửa khang trang với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, mỗi gia đình còn tự tăng gia để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt. Đến nhà nào cũng thấy vườn rau, giàn bầu, bí, đàn gà, đàn vịt. Mùa biển êm, họ đánh bắt cá, cải thiện bữa ăn cho gia đình. So với trước đây, tàu thuyền từ trong đất liền ra đảo cũng nhiều hơn, những gì thiếu thốn thì người nhà trong đất liền gửi ra. Phương tiện liên lạc cũng thuận tiện khiến cho khoảng cách giữa đảo và đất liền như ngắn lại. 

Đối với người dân sinh sống trên huyện đảo Trường Sa, những khó khăn, trở ngại, nỗi buồn xa quê hương, gia đình đã phai dần theo thời gian. Bây giờ, họ đã bắt nhịp với nếp sống và sinh hoạt trên đảo, cùng gắn bó và đoàn kết với nhau, chung lòng với những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tình yêu đã làm đảo lạ thành quê hương.

Tự hào là công dân Trường Sa…

Thăm khu dân cư tại đảo Trường Sa Lớn, thấy như một xóm nhỏ đẹp xinh trong thị trấn biển - thủ phủ của Trường Sa đang trên đà phát triển. Mỗi căn nhà biệt lập, tường xây ngói đỏ, có 2 phòng ngủ, phòng khách, bếp, khu vệ sinh khang trang. Thêm một mảnh vườn phía sau nhà có đủ loại rau trái và đàn gà, vịt thảnh thơi.

Anh Võ Văn Trường đưa gia đình ra đảo Trường Sa Lớn được gần 2 năm nay. Hiện tại, cuộc sống của anh và vợ con thật bình yên, hạnh phúc. Anh tâm sự: Tôi xác định, ra đảo nếu có sự cố cũng sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh như các anh bộ đội. Tôi tự hào vì gia đình mình là công dân Trường Sa. Ở đây, ai cũng tự hào vì điều này. Hàng xóm của anh Trường là anh Tô Hoài, cựu chiến binh Hải quân, từng là lính giữ đảo Thuyền Chài đầu những năm 1990, cũng quyết định bám trụ lại Trường Sa cùng vợ và con gái út 7 tuổi. Anh nói chân thành: Nhớ cái nắng, cái gió mặn mòi của biển đảo mà tôi ra đây sinh sống. Chút vất vả ban đầu đã qua, nay rất ổn định và vui lắm, như lại được sống cùng đồng đội khi xưa.

Cũng như những gia đình khác, nhà của anh chị có đủ các tiện nghị như ti vi, loa, đài… Phòng khách được bài trí đẹp, có tủ thờ, bàn ghế. Họ tỏ ra rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ngày biển yên, chồng đi chài lưới, rồi còn tham gia dân quân tự vệ trên đảo; vợ chăm sóc con cái tươm tất, lo mảnh vườn nhà cùng đàn gà vịt hơn 20 con, còn tranh thủ phụ giúp bộ đội may vá, nấu ăn.

Khi chúng tôi đến, hai bé gái con của vợ chồng anh chị Nguyễn Thành Hưng và Lê Thị Trúc Hà, mặc đồng phục tươm tất kiểu Hải quân đang tươi tắn cùng mẹ chơi đùa nơi hành lang giữa nhà và bếp. Những công dân tí hon nơi trùng dương sóng vỗ hôm nay - nhỏ thì được ba mẹ và các chú Hải quân bế bồng; lớn hơn thì vui cười, bạo dạn đón đoàn khách từ đất liền ra thăm tặng quà.

Nhớ lúc tàu cập mạn để lên thăm đảo Trường Sa lớn, ai cũng xúc động trước hình ảnh những cháu bé, trai có, gái có, trong trang phục lính hải quân cùng các sĩ quan, chiến sĩ hải quân và đại diện chính quyền, đoàn thể trên đảo đứng nghiêm chào khách rất đúng điều lệnh...

Đã nhiều người không cầm được nước mắt khi nhìn những bóng hình nhỏ bé nhưng vững vàng đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước mênh mông trùng khơi.

Thanh Nam-Anh Tuấn

 

Chuyên mục khác