Trường sa, những gương mặt thoáng một lần gặp gỡ

23/10/2017 06:19

​Lần đầu tiên được đến với Trường Sa, được cảm nhận sự mặn mòi của biển cả, được ngắm, được đi giữa một vùng trời nước mênh mông của Tổ quốc, tôi thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc. Trong chuyến đi ấy, tôi có dịp gặp gỡ các chiến sĩ Hải quân, cán bộ và người dân đang ngày đêm kề vai, sát cánh cùng chung sức xây dựng, bảo vệ vùng đất, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Từ trải nghiệm thực tế, tôi càng thêm cảm mến về họ, cho dù đó chỉ là những phút giây chuyện trò ngắn ngủi.

Đại tá Nguyễn Đức Thắng – Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, người sĩ quan đầu tiên tôi có dịp tiếp cận, trò chuyện trên tàu KN-491, chặng đường từ đất liền đến với Trường Sa. Với tính cách phóng khoáng, lại có duyên nói chuyện, anh đã trở thành tâm điểm khai thác tư liệu của không ít cánh phóng viên báo chí trong cả hành trình công tác.

Đại tá Nguyễn Đức Thắng, ngồi thứ tư tính từ trái qua phải

 

Trong câu chuyện của anh, chủ đề chủ yếu được xoay quanh cuộc sống hàng ngày của các chiến sĩ Hải quân vùng 4 tại các đảo. Những câu chuyện luôn hàm chứa tình yêu biển thiết tha, yêu cuộc sống của người lính biển.

Anh kể về nét đẹp hiền hòa, sự giàu có, phong phú của biển cả và từng loại hải sản đặc hữu ở mỗi khu vực bằng sự hiểu biết rành rẽ như lòng bàn tay. Anh kể về những gian nan, nguy hiểm của người lính Hải quân đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn ngư dân trong mùa giông bão, mà chính anh hoặc đã chỉ huy, hoặc trực tiếp tham gia nhiều vụ với niềm tự hào nói lên từ ánh mắt.

Tôi nhớ đến gương mặt của Thượng úy Vũ Văn Huân - Chính trị viên Cụm chiến đấu 1 Trường Sa Đông. Một cán bộ năng nổ, nhiệt tình công tác trong các phong trào thi đua của cụm. Biểu hiện ở đó là sự xây dựng tình đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ. Dù mỗi người mỗi quê khác nhau, nhưng mọi người luôn yêu quý, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau... Cụm đã trở thành một đại gia đình chiến sĩ.

Nghĩ đến điểm đảo khó khăn, sao quên được Đại úy Phan Văn Bình – Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, một trong những đảo điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đảo được ví là “khu vực đảo bão tố” là một tụ điểm cho vòng xoáy của các cơn bão Trường Sa hoành hành.

Chiến sĩ đảo Đá Lát hướng dẫn tàu cập cầu cảng

 

Ở đấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bình quân mỗi chiến sĩ chỉ dùng 10 lít nước ngọt/ngày cho sinh hoạt cá nhân. Tuy vậy, Đảo trưởng Bình vẫn luôn là người anh chững chạc, luôn lạc quan, yêu đời. Trong khó khăn, không hề dao động, anh luôn là tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Bởi vậy, trong mọi hoàn cảnh nào, Đá Lát luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Ngoài công tác tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ ở đây còn tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Đối với bà con ngư dân, Đá Lát luôn là chỗ dựa niềm tin vững chắc. Cán bộ, chiến sĩ của đảo luôn sẵn sàng “chia ngọt sẻ bùi” từ lít nước ngọt, thuốc chữa bệnh, cho đến rau, quả cho bà con ngư dân ra đánh bắt ở ngư trường khi gặp khó khăn.

Cùng kề cận với đảo Đá Lát cách chừng non một hải lý, ngọn hải đăng Đá Lát đã trở thành con mắt cho các chuyến tàu qua lại suốt hơn 23 năm ròng. Gắn liền với ngọn hải đăng này, nhiều người đều nhắc tới Lê Văn Chương – một  Trưởng trạm dầy dạn với nghề, luôn hết mình vì công việc. Qua nhiều lần luân chuyển đi các trạm trong khu vực, đây là lần thứ 3 anh trở lại nhận nhiệm vụ ở trạm hải đăng này.

Ngọn hải đăng Đá Lát

 

Cho dù cuộc sống xa vợ, xa con, đời sống sinh hoạt còn nhiều kham khổ, song anh không hề than thở về mình. Trong câu chuyện với tôi, anh chỉ nghĩ đến cái chung, mong muốn được Nhà nước đầu tư sửa chữa cây đèn đã đến thời kỳ xuống cấp. Ước muốn của anh thật giản dị, thể hiện sự yêu nghề sâu sắc, biết lo cho cái lo chung, để cây đèn Đá Lát mãi mãi tỏa sáng, đảm bảo sự an toàn của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua biển Đông, cho bà con ngư dân đến với ngư trường đánh bắt truyền thống của mình được thuận lợi.

Cùng một niềm yêu biển, vợ chồng ngư dân: anh Kiệt, chị Luyện ở đảo Song Tử Tây, dù 2 con còn rất nhỏ, nhưng vẫn ngày ngày ra khơi, bám biển. Ngoài việc hành nghề đánh bắt cá truyền thống, thu vén xây dựng tổ ấm gia đình, anh, chị còn tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, xã hội, làm tốt nhiệm vụ của một dân quân tự vệ của đảo nhỏ kiên cường.

Thiếu tá Quân y - Bác sĩ Phạm Tuấn Vũ - Trạm trưởng Trạm xá Trường Sa Đông – một thầy thuốc yêu nghề, tận tụy. Ngoài công việc thường ngày của trạm là nắm bắt, theo dõi sức khỏe của từng cán bộ, chiến sĩ, anh cùng với các y sĩ của trạm còn kịp thời chăm lo cấp thuốc, chữa bệnh cho ngư dân, mỗi khi họ gặp phải ốm, đau, hoạn nạn.

Các phóng viên nắm bắt thông tin tại Trạm xá đảo Trường Sa Đông

 

Chỉ riêng trong năm 2016, trạm đã khám sức khỏe và điều trị bệnh 79 ca cho ngư dân, trong đó, có rất nhiều ca nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của họ. Chính vì lẽ đó, mà tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông với ngư dân ngày càng thắm thiết, keo sơn.

Với các chiến sĩ trẻ tôi có dịp gặp gỡ. Mỗi người một quê, mỗi người đóng quân ở các đảo khác nhau, song nét chung, đó chính là tình yêu biển, tình yêu quê hương, đất nước của họ đã được thử thách và ngày càng sâu đậm từ cuộc sống ở những nơi đầu sóng, ngọn gió này.

Chiến sĩ trẻ Đoàn Văn Ngữ, vẫn còn đậm chất của một thư sinh, người quê ở Nam Định. Ngữ nhập ngũ tháng 2/2016, sau khóa huấn luyện, tháng 12 ra đảo Đá Lát nhận nhiệm vụ đến nay. Câu chuyện với tôi, em tâm sự, chỉ mất vài tháng đầu chưa quen, nên buồn. Còn bây giờ, đối với em đảo đã thực sự là nhà, em sẵn sàng tình nguyện cống hiến tuổi trẻ của mình cho đảo.

Chiến sĩ trẻ Đoàn Văn Ngữ đang chăm sóc rau xanh tại đảo Đá Lát

 

Với Đậu Đức Hương - chiến sĩ đảo Trường Sa Đông, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khi hỏi về cảm tưởng lần đầu ra làm nhiệm vụ ở đảo, em không ngại ngần tâm sự: “Có rất nhiều bỡ ngỡ, cuộc sống sinh hoạt ở đây nhiều thứ không hình dung hết, nhưng khi được thủ trưởng và những đồng đội đi trước hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, nên cũng sớm bắt nhịp với môi trường mới. Các thủ trưởng và đồng đội đi trước ở đây, họ thực sự như người cha, người chú, người anh đối với cánh lính trẻ trong một đại gia đình!”

Còn với Đoàn Minh Long - chiến sĩ của đảo Len Đao kiên cường. Long nhập ngũ năm 2015, mới ra đảo tháng 7/2016. Tôi hỏi có kỷ niệm nhớ nhất từ khi ra công tác tại đảo, không giấu được tâm trạng hạnh phúc, Long kể: “Hồi ra đảo chưa đầy một tháng là vào đúng sinh nhật (ngày 10/8 - PV), được thủ trưởng hỏi han động viên, được cả đảo tổ chức sinh nhật – thật bất ngờ. Không nghĩ rằng đời lính của mình lại có sinh nhật vui, ấm cúng đến thế giữa trùng khơi mênh mông”.

Chiến sĩ trẻ Đoàn Minh Long đang làm nhiện vụ trực chiến

 

Còn nhiều lắm những con người chỉ thoáng lần gặp gỡ ở các đảo nổi, đảo chìm của Trường Sa thân yêu. Đó là những giáo viên tình nguyện xa phố thị, xa cuộc sống sum họp gia đình để ra đảo gieo chữ, yêu quý học trò như thầy giáo Lê Xuân Quyết, thầy giáo Lê Văn Mạnh ở Song Tử Tây. Đó là những cán bộ Khí tượng Thủy văn DK1/7 Đỗ Văn Bằng, Nguyễn Văn Dũng, họ đã có nhiều năm gắn bó với nhà giàn giữa mênh mông sóng nước, để hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Tất cả họ, đã để lại trong tôi một sự tin yêu, cảm phục sâu sắc. Họ đã hợp thành đội ngũ để viết lên bản hùng ca về tình yêu quê hương, đất nước ở nơi đầu sóng, ngọn gió, vùng cực Đông của Tổ quốc thân yêu.

TT 

Chuyên mục khác