Tạm biệt nhé... Trường Sa

20/06/2017 08:41

Vậy là từ hôm xuất phát tại cảng Cát Lái 7/5, tính đến ngày 13/5/2017, các đại biểu của Đoàn công tác tàu KN491 đã có mặt trên tàu đi thăm các đảo được 7 ngày. Buổi sáng 13/5, sau khi thả neo đưa các đại biểu lên thăm đảo Đá Lát, cuối buổi trưa cùng ngày tàu tiếp tục hành trình đến đảo Trường Sa. Đây cũng là điểm đảo cuối cùng của đoàn công tác ghé thăm trước khi thăm Nhà giàn DK1 (Huyền Trân) trên đường trở về cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) để hoàn thành chuyến công tác.

Từ đảo Đá Lát tới Trường Sa khoảng 15 hải lý (tương đương gần 26km), hành trình đến khoảng 12h trưa, tàu cập bến cảng Trường Sa. Khác với các điểm đảo đã đến, riêng ở Trường Sa, tàu KN491 trực tiếp cập cầu cảng để đoàn công tác lên đảo, không phải qua phương tiện ca nô đưa vào đảo như các lần trước đây. Cảng này có tên gọi là cảng cá, dự kiến tới năm 2020 sẽ có thể đón được tàu có công suất tối đa là 1000 CV, phục vụ khoảng 90 lượt tàu cá/ngày và tổng lượng thủy sản lưu thông qua cảng là 10.000 tấn/năm.

Cầu cảng cá

 

Đảo Trường Sa – còn có một tên gọi khác khá phổ biến là “Trường Sa Lớn”. Đảo được giải phóng ngày 29/4/1975, hiện là thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý (trên 470km).

Đảo Trường Sa có chiều dài phần nổi khoảng 1.650m, chiều rộng khoảng 820m, thềm san hô hẹp, độ cao trung bình so với mặt nước biển khi mực nước thủy triều xuống thấp nhất là 2,4+2,8m.

Vào lúc 12h30 ngày 13/5, Đoàn công tác của tàu bắt đầu lên thăm đảo và dự lễ duyệt đội ngũ do cán bộ, chiến sĩ Hải quân và chính quyền thị trấn đảo tổ chức tại sân bay – ngay cạnh cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa
Đoàn đại biểu Kon Tum chụp hình lưu niệm

 

Buổi lễ được diễn ra trong không khí trang trọng, sau 10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới Quân kỳ tung bay phấp phới mang dòng chữ “Quyết thắng” của quân và dân huyện đảo Trường Sa là phần duyệt đội ngũ oai nghiêm, hùng tráng, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của quân và dân huyện đảo trong việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lễ duyệt đội ngũ

 

Trải qua 42 năm xây dựng và trưởng thành, lớp lớp cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngại hy sinh gian khổ, chủ động khắc phục khó khăn, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đơn vị được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp trong quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý, được Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND năm 1985, nhiều huân chương chiến công các hạng. Hàng năm, đảo luôn giữ vững lá cờ đầu trong phong trào thi đua của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146.

Sân bay Trường Sa

 

Những năm qua, bên cạnh sự tự lực, tự cường khắc phục khó khăn vươn lên về mọi mặt, huyện đảo Trường Sa cũng luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cũng như các cấp chính quyền và sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của nhân dân cả nước. Hiện nay, thị trấn đảo đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhiều công trình phúc lợi, dân sinh đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.

Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa

 

Trường tiểu học, được đầu tư xây dựng năm 2013 có diện tích 200m2, gồm 2 phòng học, phòng công vụ, phòng vui chơi và thư viện. Trạm xá đảo Trường Sa là trạm cấp một với các trang thiết bị khám cơ bản như siêu âm, điện tâm đồ, máy thở..., đáp ứng cơ bản việc khám chữa bệnh đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo và ngư dân ra đánh bắt hải sản. Hiện ở đảo còn có Trung tâm cứu hộ, cứu nạn hoạt động hiệu quả, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển làm ăn và tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chùa Trường Sa Lớn

 

Ở đảo Trường Sa còn rất nhiều các công trình văn hóa, tâm linh kiên cố khác, như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hóa, chùa Trường Sa Lớn... Từ xa xưa, trên các đảo giữa Biển Đông của nước ta, đã có những am thờ do ngư dân Việt dựng lên để cầu trời, khấn phật phù hộ độ trì cho những chuyến đi biển bình yên, bội thu tôm cá. Và, nay trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh truyền thống, đã có nhiều ngôi chùa được tôn tạo như chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn và chùa Trường Sa Lớn. Cùng với các điện thờ đức Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các bàn thờ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ở chùa Trường Sa Lớn còn có bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đối với những người trên đảo, cũng như với cả dân tộc Việt Nam, biển đảo là một phần đất nước linh thiêng từ ngàn xưa. Đảo Trường Sa nói riêng, và các chùa ở quần đảo Trường Sa nói chung, không chỉ thể hiện tín ngưỡng truyền thống của của người Việt Nam, mà ở đó còn gắn liền với ý chí về tình yêu nước nồng nàn của nhân dân cả nước đối với vùng trời, vùng biên giới xa xôi của Tổ quốc.

Thời gian ở Trường Sa thật ngắn ngủi, được tản bộ qua những công trình xây dựng, những vườn cây rợp bóng, trong đó ngoài những loại cây đặc thù, cố hữu như phong ba, bão táp, bàng vuông... cũng có rất nhiều các loại cây trồng khác được mang ra từ đất liền, đang ngày một nhân thêm màu xanh, sự phong phú cho đảo, càng cảm nhận hơn về sự gần gũi, gắn bó với đảo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây.

Buổi tối chia tay giữa Đoàn công tác tàu KN491 với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo diễn ra trong không khí giao lưu văn nghệ ấm tình thắm thiết. Những tiết mục “cây nhà lá vườn” của chiến sĩ đan xen, hòa nhịp cùng giọng ca, điệu múa của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, càng về khuya như càng thêm nồng ấm...

Phút chia tay lưu luyến

 

Khoảng 21h ngày 13/5, tàu KN491 hú những hồi còi để chào tạm biệt đảo. Phút chia tay diễn ra trong không khí lưu luyến đến khôn cùng! Tàu nhổ neo, từ từ rời cảng đã bị chìm ngập trong âm thanh của tiếng hô đối đáp: “cả nước vì Trường Sa – Trường Sa vì cả nước!” - “Kon Tum yêu Trường Sa – Trường Sa yêu Kon Tum!” của Đoàn công tác trên tàu và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên bến cảng cứ vang mãi, vang mãi cho tới khi tầu đã đi thật xa!

Bài và ảnh: TT

Chuyên mục khác