Tác nghiệp ở Trường Sa - Những kỷ niệm khó quên

21/06/2018 13:06

Nghề báo cho chúng tôi cơ hội được đi nhiều. Với tôi, mỗi chuyến đi là một dịp trải nghiệm với những kỷ niệm khó quên. Lần đầu tiên được tác nghiệp ở Trường Sa-“nơi đầu sóng ngọn gió” là dấu ấn không thể quên trong đời làm báo của tôi, bởi tôi được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Vào dịp trước Tết Nguyên đán 2018, hơn 100 phóng viên báo chí ở các tỉnh thành phố trong cả nước theo 4 chuyến tàu đến các đảo trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa)- vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. Đây là dịp vừa thay thu quân, vừa chuyển hàng tết đến với quân và dân trên quần đảo Trường Sa thân yêu, mang đến cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa tình cảm của đất liền.

Hơn 100 phóng viên báo chí được chia ra 4 tàu để phản ánh kịp thời về chuyến đi và không khi đón xuân, vui tết cũng như cuộc sống của các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 và các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Tôi may mắn được đi trên tàu Hải quân mang số hiệu HQ-561 đến với quân và dân các đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Thuyền Chài của quần đảo Trường Sa tác nghiệp. Chuyến công tác đầu tiên ở Trường Sa này để lại những kỷ niệm sâu sắc nhất trong chặng đường 20 năm làm báo của tôi.

Gần 20 ngày trời lênh đênh trên biển, được đặt chân các hòn đảo và được  “tai nghe mắt thấy” về biển đảo, về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đã cho tôi những trải nghiệm thú vị.

Đến Trường Sa lần đầu tiên lại đúng vào mùa biển động, sóng biển cao đến cả 4-5 mét khiến chiếc tàu chao đảo, những cú  lắc mạnh làm “cánh phóng viên” chúng tôi vốn chưa quen với sóng biển nên nhiều người “được” say sóng nhớ đời.

Những ngày đầu tiên, khá nhiều phóng viên say sóng nằm bẹp “lơ cả cơm” (nhất là đối với phóng viên nữ). Vậy mà, sau 2 ngày 3 đêm vượt hàng trăm hải lý, điểm đảo được tiếp cận đầu tiên là đảo nổi Phan Vinh- hòn đảo mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, nhiều phóng viên say sóng nằm bẹp một chỗ ngay từ lúc tàu dời bến, vừa nghe thông báo đến đảo là bật dậy, ôm máy quay, máy ảnh mặc áo phao chuẩn bị khí thế xuống xuồng, gương mặt rạng ngời như trước đó chưa từng bị say sóng.

Gần đến đảo, đại tá Phan Ngọc Quang- Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), Trưởng đoàn công tác thông báo anh em phóng viên chuẩn bị tư trang, máy móc để vào đảo. Đại tá Quang quán triệt: Khi tàu thả neo, chúng ta xuống xuồng truyền tải để vào đảo thì anh em báo chí cùng chỉ huy đoàn lên trước; hàng hóa và các chiến sĩ ra thay quân lên sau; còn khi về lại tàu thì các chiến sĩ lên trước, chỉ huy đoàn và anh em báo chí lên sau…

Sở dĩ Đại tá Quang quán triệt như vậy, bởi thời gian ở trên các đảo không được nhiều nên khi tiếp cận đảo, đoàn công tác để anh em báo chí lên trước về sau là nhằm tạo điều kiện cho phóng có thêm thời gian tác nghiệp- dù là ít ỏi.

Tôi và anh em phóng viên xác định, tranh thủ thời gian thu thập được càng nhiều tư liệu, hình ảnh về công việc, đời sống của cán bộ chiến sĩ trên đảo càng tốt.Cường độ làm việc sẽ được đẩy lên cao nhất. Do đó, chỉ mới nghe trưởng đoàn thông báo, cánh phóng viên chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào việc, mọi người bật dạy chuẩn bị tư trang máy móc vào đảo như chưa hề say sóng.

Phỏng vấn chỉ huy đảo Phan Vinh

 

Đặt chân lên đảo, mỗi phóng viên chúng tôi ai nấy đều tất bật, người quay, người chụp, người thì phỏng vấn…Những câu hỏi liên tục được phóng viên đưa ra đều được người chỉ huy đảo, người chiến sĩ trên đảo trao đổi một cách rành mạch, cởi mở. Mỗi phóng viên một câu hỏi ở mỗi lĩnh vực nhiệm vụ khác nhau khiến các lính đảo trả lời, trao đổi liên hồi. Dù vậy, gương mặt các chiến sĩ vẫn luôn rạng ngời, nụ cười thân thiện nở trên môi. Chúng tôi càng thêm yêu quý các chiến sĩ hải quân. Ở họ thể hiện niềm tin và bản lĩnh của người lính hải quân và cả sự kiên cường, vững vàng trước muôn trùng sóng gió để bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Mỗi phóng viên ra Trường Sa có cách tiếp cận và khai thác thông tin khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tâm trạng háo hức, bồi hồi, xúc động đặt chân đến nơi đây.

Phóng viên Nguyễn Minh Xuân Hiếu (Báo Quảng Ngãi) tâm sự: Lần đầu tiên tôi được cơ quan cử đi Trường Sa nên tôi hiểu niềm tin của lãnh đạo với mình, vậy nên, tại các điểm đảo được đến, tôi tranh thủ thời gian, cố gắng gặp nhiều lính đảo, tìm hiểu để kịp thời phản ánh đầy đủ cuộc sống ở Trường Sa nhằm đem đến những thông tin bổ ích, giúp bạn đọc thêm hiểu biết, cảm nhận rõ hơn về người lính hải quân ở quần đảo Trường Sa.

“Có đến với Trường Sa, được nghe, thấy, tâm sự với người lính đảo càng làm cho em cảm phục tinh thần quyết giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc của chiến sĩ hải quân. Họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, gác lại hạnh phúc riêng tư, giành về phần mình những khó khăn, gian khổ, bảo vệ sự  toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Chỉ tiếc là thời gian chúng tôi được lưu lại ở đảo ít nên chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về cuộc sống cũng như những tâm tư của người lính. Tuy vậy, chuyến đi Trường Sa lần này cũng giúp tôi hiểu nhiều hơn về người lính đảo và mang lại cho tôi những kỷ niệm không thể nào quên…”- phóng viên Minh Hiếu chia sẻ.

Trong chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa, tôi đặc biệt ấn tượng với phóng viên Nguyễn Thị Loan (Đài PTTH Đăk Nông). Ở trên tàu, chị suốt ngày nằm bẹp, đến cơm cũng không thể ăn vì say sóng, thế mà chỉ cần nghe chuẩn bị vào đảo chị lại “tỉnh như sáo”.

Lên đảo, gần như Loan không nghỉ, chị tận dụng tối đa thời gian để khai thác thông tin ở mọi góc cạnh làm tư liệu phục vụ tuyên truyền. Từ đề tài “Nuôi chó ở Trường Sa” đến khắc phục hậu quả cơn bão 16, đón tết ở Trường Sa, hay đề tài khai thác về kiên cường người lính Trường Sa, tâm sự người lính đảo, sức sống Trường Sa…đều được chị chú trọng khai thác.

Sự năng động nhiệt tình của chị Loan cũng khiến anh Lê Văn Đại (quay phim Đài PTTH Đăk Nông) quay như chong chóng, mồ hồi đầm đìa khi tác nghiệp trên đảo. Kết thúc chuyến công tác ở Trường Sa anh Lê Văn Đại “khoe” với tôi, trong chuyến công tác này, tư liệu thu thập được ít nhất cũng phải làm được trên 10 phóng sự (từ 5-10 phút) ở mỗi chủ đề khác nhau.

Tác nghiệp ở Trường Sa

 

Phóng viên Nguyễn Thị Loan tâm sự: Đến với Trường Sa là niềm vinh dự và hạnh phúc lớn với tôi, nên dù rất mệt tôi cố gắng tận dụng thời gian ít ỏi trên đảo thu thập, ghi nhận tư liệu càng nhiều càng tốt. Hơn nữa, tôi cũng muốn truyền tải thông tin đến với đất liền, giúp người dân hiểu hơn về chiến sĩ hải quân ở đảo Trường Sa. Họ- những người lính đảo vẫn một lòng kiên trung ngày đêm canh giữ vùng trời biển đảo quê hương… 

Chiến sĩ đảo Tiên Nữ đọc báo Kon Tum

 

Cũng như những phóng viên khác, với tôi được tác nghiệp trên các đảo ở quần đảo Trường Sa thật sự là niềm vinh dự và tự hào. Càng vui hơn khi đến với người lính Trường Sa vào dịp giáp Tết Nguyên đán, được chứng kiến không khí đón tết của người lính nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Tôi đã  rất xúc động. Tác nghiệp ở Trường Sa-“nơi đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc để  lại cảm xúc “thiêng liêng đến lạ kỳ” trong tôi. Đây là dấu ấn không thể quên trong suốt cuộc đời làm báo của tôi cũng như của mỗi phóng viên báo chí từng đặt chân đến Trường Sa thân yêu của chúng ta…

Bài, ảnh: Văn Phương

Chuyên mục khác