Nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền biển, đảo năm 2022

09/03/2022 06:19

Năm 2022, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng. Đối với công tác tuyên truyền biển, đảo sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đồng thuận của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về những định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thực hiện tốt các chủ trương, quan điểm về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 36-NQ-TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 
Ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền năm 2022. Ảnh: ĐH

 

Năm 2022 là năm có nhiều dấu mốc quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta; là năm đánh dấu 40 năm Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) ra đời, đóng vai trò là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới. Đây cũng là năm kỷ niệm 10 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật Biển năm 2012, văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng UNCLOS 1982. Chính vì vậy, trong năm nay, hoạt động tuyên truyên biển, đảo cần tập trung cao điểm vào những dịp kỷ niệm quan trọng nói trên.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần nêu bật quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo. Khẳng định quan điểm của đảng ta là “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường ổn định để phát triển đất nước”; khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước của mọi người dân, tạo sức mạnh nội sinh, động lực bảo vệ và phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Song song với đó là chủ động đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị âm mưu lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam để hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Kon Tum là một tỉnh miền núi, tuy nhiên không vì thế mà có sự lơ là, xem nhẹ công tác tuyên truyền biển, đảo. Mỗi cấp ủy, chính quyền và từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tuyên giáo, cán bộ làm công tác tuyên truyền cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, định hướng tuyên truyền một cách chủ động, tích cực, thường xuyên, liên tục. Công tác tuyên truyền phải làm sao cho mọi người dân, kể cả đồng bào DTTS ở vùng xâu, vùng xa hiểu được vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo và một lòng hướng về biển, đảo; hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ biển, đảo - bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếp nối kết quả việc thực hiện chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy Kon Tum và Quân chủng Hải quân của các năm trước, trong năm nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Quân cảng Sài Gòn sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền biển, đảo kết hợp hoạt động dân vận, đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy Kon Tum và Quân chủng Hải quân và đưa những nội dung tuyên truyền chính xác đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, các ngành, địa phương, đơn vị cần tích cực thông tin, tuyên truyền truyền kết quả công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền biển, đảo và hoạt động dân vận, đền ơn đáp nghĩa của Quân cảng Sài Gòn trên địa bàn tỉnh; về các chính sách hậu phương quân đội; khẳng định tình cảm gắn bó giữa nhân dân với cán bộ, chiến sĩ  Hải quân nhân dân Việt Nam; mang hình ảnh về cán bộ, chiến sĩ Hải quân đến với đông đảo người dân.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diến biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác tuyên truyền, biển đảo. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác tuyên truyền biển, đảo, phương thức và hình thức tuyên truyền cần có sự đổi mới, cấp ủy các cấp cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Trong đó, khai thác hiệu quả các mặt tích cực từ hình thức trực tuyến, mạng xã hội.

Các ngành, địa phương cũng cần tiếp tục phát huy thế mạnh của hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động qua các ấn phẩm tuyên truyền, tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài biển, đảo; tích cực tổ chức, hưởng ứng các phong trào, hoạt động hướng về biển, đảo quê hương.

Đào Hiền

Chuyên mục khác