Nhà giàn DK1/7 - vững vàng giữa biển khơi

22/08/2018 07:02

Trong hành trình đến với Trường Sa vào tháng 5/2018, nhà giàn DK1/7 (còn gọi là nhà giàn Huyền Trân) là điểm cuối cùng đoàn chúng tôi tới thăm trước khi trở về đất liền. Đặt chân lên “pháo đài thép” giữa biển cả mênh mông, càng thêm cảm phục tinh thần, ý chí của những cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám trụ nơi đây…

Trước khi đến với nhà giàn, chúng tôi đã được anh em thủy thủ đoàn cảnh báo: Sóng lớn, đại biểu vẫn có thể lên được đảo, nhưng với nhà giàn là cả một thách thức, vì xuồng không thể tiếp cận được. Đã có rất nhiều đoàn đi trước, gặp sóng mạnh cấp 4, cấp 5 trở lên, đại biểu chỉ có thể ngồi ở tàu để “ngắm” nhà giàn từ xa. Mới nhất, chuyến đi vào đầu tháng 4/2018, do gặp áp thấp nhiệt đới bất thường, tàu phải neo cách nhà giàn nửa hải lý, chờ nửa ngày, sóng vẫn không có dấu hiệu giảm, các đại biểu phải ngồi trên tàu “thăm hỏi” cán bộ, chiến sĩ nhà giàn qua ống nhòm, nhiều đại biểu nước mắt lưng tròng, vì thấy nhau mà không thể đến được với nhau…

Nghe vậy, chúng tôi ai cũng hồi hộp xen lẫn lo lắng, nhiều người cả đêm không ngủ được. Nhưng thật may, chuyến đi này thời tiết ủng hộ. Bước sang ngày thứ bảy của hành trình, đúng 7 giờ sáng, sau khi dự lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, chúng tôi nhận được thông báo: tất cả đại biểu về vị trí theo qui định, chuẩn bị xuống xuồng thăm nhà giàn. Cảm xúc lúc này như vỡ òa…

Cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ đại biểu lên nhà giàn. Ảnh: H.T

 

Dẫu đã biết trước việc lên xuống nhà giàn không hề đơn giản, nhưng quả thật là chỉ đến khi trực tiếp trải nghiệm, chúng tôi mới thấy hết được sự nguy hiểm. Dù sóng không mạnh lắm, nhưng các đợt sóng dồn dập khiến chiếc xuồng chở chúng tôi phải rất khó khăn mới tiếp cận được cột neo. Tiếp đó, để leo lên nhà giàn, từng người một phải chờ sóng dềnh lên cao, đẩy thành xuồng va đập vào cột neo, lập tức bám lấy thang sắt và rút chân lên, với sự hỗ trợ của từ ba đến bốn chiến sĩ Hải quân. Thao tác này phải rất nhanh và chuẩn xác, bởi chỉ chậm một chút, con sóng rút nhanh kéo xuồng bật trở lại rất có thể sẽ nguy hiểm tới tính mạng…

Được bố trí đi chuyến xuồng đầu tiên, vì thế tôi có khá nhiều thời gian tham quan, trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Trung tá Lương Hữu Nhuần - Chỉ huy trưởng nhà giàn cho chúng tôi biết: Nhà giàn DK1/7 được xây dựng và hoàn thành vào tháng 10/1991 tại bãi cạn Huyền Trân, cách Vũng Tàu 248 hải lý. Nhà giàn có tên đầy đủ là: Trạm dịch vụ Kinh tế, Khoa học kỹ thuật Huyền Trân. Cùng với chức năng, nhiệm vụ của các nhà giàn trong khu vực, nhà giàn DK1/7 còn có trạm hải đăng chỉ đường cho tuyến hàng hải quốc tế và ngư dân đánh bắt hải sản trong khu vực, có trạm quan sát khí tượng, thường xuyên thu thập các số liệu thời tiết.

Sau tai nạn của một số nhà giàn trong khu vực DK1 do bão giật sập, làm một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh vào các năm 1996, 1998 và năm 2000, nhằm giúp tăng khả năng phòng thủ bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển và đảm bảo công tác huấn luyện, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ, năm 2014 nhà giàn được mở rộng, xây dựng mới. Nhà giàn mới được thiết kế theo công nghệ tiên tiến, có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu, rộng gấp ba và cao hơn so với nhà giàn cũ, có bãi đỗ trực thăng trên nóc, có khả năng chịu được những cơn siêu bão có sức gió giật trên cấp 12…

Trung tá Nhuần phấn khởi cho biết thêm: Từ khi nhà giàn mới được xây dựng, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây yên tâm hơn. Được sự quan tâm của cả nước, hiện nay điều kiện sinh hoạt, làm việc ở khu vực nhà giàn DK1 nói chung, nhà giàn DK1/7 nói riêng được cải thiện rất nhiều. Nhà giàn có phòng y tế, khu vui chơi thể thao, phòng đọc sách báo, phòng hát karaoke, có máy điện thoại cố định không dây để liên lạc về đất liền, có truyền hình K+, máy lọc nước ngọt công suất 200 lít/giờ… Đặc biệt hệ thống pin năng lượng mặt trời với hơn 100 tấm, đủ cấp điện cho huấn luyện, sinh hoạt liên tục từ 3-5 ngày trong điều kiện mưa bão, không có ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy, vào những ngày thời tiết xấu, cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn vẫn có đủ điện để nấu cơm, chạy tủ lạnh, xem tivi, mọi sinh hoạt, huấn luyện diễn ra bình thường.  

Dù thời tiết, khí hậu trên biển khắc nghiệt, nhưng nhờ có điện, có máy lọc nước ngọt, nên việc tăng gia sản xuất ở nhà giàn cũng thuận lợi hơn trước. Tận dụng mọi diện tích, ngoài trồng các loại rau xanh như: mồng tơi, rau muống, rau cải, rau đay và các loại rau gia vị, anh em còn làm chuồng nuôi lợn, gà, vịt. Các chiến sĩ còn trổ tài ủ giá đỗ, làm đậu khuôn, ủ cá làm nước mắm… Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất nên chất lượng bữa ăn hàng ngày đã được cải thiện đáng kể, qua đó góp phần tăng cường sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, phục vụ tốt hơn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Được biết, do tính chất đặc thù, lính nhà giàn luôn phải bám trụ trên biển từ 8 đến 12 tháng liên tục, đôi khi do yêu cầu nhiệm vụ phải hơn 20 tháng mới được vào đất liền. Vậy nhưng, gặp bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào của nhà giàn tôi cũng cảm nhận được sự lạc quan, vui vẻ, đầy nhiệt huyết của họ.

Mộc mạc, chân tình, nhân viên khí tượng hải văn Đỗ Văn Bằng, 40 tuổi, quê Vũ Thư, Thái Bình thổ lộ với tôi: Em nhận công tác ở nhà giàn này từ năm 2005, trước đó đã có 6 năm công tác ở trạm khí tượng Thổ Chu. Tuy xa gia đình (cha mẹ, vợ và 2 con đang ở quê Thái Bình), mỗi năm chỉ được về phép 1 lần, 3-4 năm mới về đúng dịp Tết, nhưng vì nhiệm vụ chung, hơn nữa em coi nhà giàn như gia đình của mình nên em xác định gắn bó lâu dài ở đây.

Xung phong làm “hướng dẫn viên” ngay từ lúc tôi đặt chân lên nhà giàn, Trung úy Bùi Mạnh Việt, quê Thanh Liêm, Hà Nam thủ thỉ tâm sự: Cháu ra nhận công tác ở nhà giàn vừa tròn 6 tháng. Lúc mới ra, nhìn xung quanh chỉ thấy trời và biển, cháu rất buồn và nhớ nhà. Được sự động viên, giúp đỡ của chỉ huy và anh em trong đơn vị, giờ thì cháu đã quen với cuộc sống ở đây. Cháu tự hào vì được góp sức trẻ của mình, cùng đồng đội ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

 

Tạm biệt nhà giàn DK1/7, hành trang tôi mang theo về đất liền là hình ảnh cặp nhà giàn lớn-nhỏ vững chãi, hiên ngang giữa trùng khơi; là hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ da sạm đen vì nắng gió, dù còn vất vả, khó khăn trăm bề và luôn phải đối mặt với mọi hiểm nguy rình rập vẫn tình nguyện gắn bó với biển khơi, luôn nêu cao tinh thần, ý chí quyết tâm cao, thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, làm chỗ dựa, điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Gần 4 tháng đã trôi qua, trong tôi vẫn luôn văng vẳng lời bài hát “Mùa xuân DK1” của nhạc sĩ Thập Nhất được các chiến sĩ nhà giàn hát tặng chúng tôi trong buổi giao lưu: “…Sóng gió, mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó. Chông chênh, mặc chông chênh, lính nhà giàn chẳng sợ bão dông. Giữa biển trời vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời…”.

Lính nhà giàn là thế, họ luôn kiên cường, vững vàng giữa biển khơi!

                                                                             Hoàng Thúy

Chuyên mục khác