Nhà giàn DK1/7 và chuyện về những người cán bộ hải văn

26/03/2018 07:01

Đến với Trường Sa vào dịp tháng 5/2017, ngót nghét đã 10 tháng trôi qua, song kỷ niệm trong tôi về một vùng biển, đảo thân yêu, nơi muôn trùng hải lý vẫn luôn luôn hiển hiện. Ở đó, là sự giàu đẹp của biển khơi! Nơi có các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đất trời, những cán bộ, giáo viên với những công việc thầm lặng..., để cùng góp sức xây dựng biển đảo, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Vài nét về nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân):

Nhà giàn DK1/7 (còn gọi Nhà giàn Huyền Trân) là một trong những trạm kinh tế khoa học kỹ thuật và dịch vụ trên vùng biển DK1. Nhà giàn được xây dựng hoàn thành vào cuối năm 1991. Đến năm 2014, được xây dựng lại theo hướng kiên cố, hiện đại, có thể chịu đựng được những trận siêu bão có sức gió trên cấp 12.

Nhà giàn Huyền Trân nhìn từ xa

Cùng với chức năng của các nhà giàn trong khu vực, nhà giàn DK1/7 là trạm tổ chức khai thác hải sản và quản lý nguồn lợi biển tại khu vực. Cùng với đó, nhà giàn còn triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và thông báo khí tượng hải văn cho quốc tế, bảo đảm hàng hải, thực hiện nhiệm vụ chốt giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển thân yêu của tổ quốc.

Sự hình thành các nhà giàn

Vào đầu thập niên thứ 9 của thế kỷ XX, để tăng cường việc nghiên cứu, khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo, Đảng, Nhà nước ta tiến hành xây dựng nhiều nhà giàn ở khu vực phía nam thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của đất nước khi ấy còn rất nhiều khó khăn, nên giai đoạn đầu, hầu hết nhà giàn được xây dựng khá thô sơ. Kết cấu nhà giàn cấu trúc theo dạng pông-tông (một dạng phao lớn hình khối hộp làm bằng kim loại), đặt trên nền san hô. Bởi vậy, khi có sóng, gió lớn, hoặc dòng nước chảy mạnh, nhà giàn dễ bị dịch chuyển, rất mỏng manh trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Cho dù phải sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm ấy, nhưng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, dịch vụ hàng hải, chiến sĩ Hải quân vẫn chắc tay súng, ngày đêm bám trụ bảo vệ vùng chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc.

Những câu chuyện bi hùng, quả cảm...

Tháng 12/1990, một cơn bão lớn gió trên cấp 12 đã giật sập nhà giàn DK1/3 Phúc Tần. Trong đêm đen, 8 cán bộ, chiến sĩ bị hất rơi xuống biển, 3 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Trong đó tấm gương Trạm phó chính trị nhà giàn DK1/3, trong cận kề cái chết đã nhường lại áo phao và miếng lương khô cho chiến sĩ yếu nhất để rồi đi vào lòng biển quê hương cùng hai đồng đội. Trận bão ấy, các nhà giàn DK1/4, DK1/6 cũng bị gió giật sập, nhưng rất may không thiệt hại về người.

Lễ viếng các anh hùng liệt sĩ tại tàu KN-491

 

Một trận bão khác, tháng 12/1998 (cơn bão Faith), có sức gió giật trên cấp 12 đã đổ bộ vào Biển Đông. Trong sóng gió quần thảo, nhà giàn bị rung lắc dữ dội, mặc dù vậy, Anh hùng Đại úy Trạm trưởng Vũ Quang Chương cùng 8 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/16 – Phúc Nguyên vẫn bình tĩnh, kiên cường chống chọi với gió bão, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy.

Sức gió quá lớn, nhà giàn đổ sập, cuốn trôi cả 9 cán bộ, chiến sĩ. Dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 chiến sĩ của chúng ta là Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy (quân nhân chuyên nghiệp) Nguyễn Văn An và Chuẩn úy (quân nhân chuyên nghiệp) Lê Đức Hồng đã anh dũng hy sinh...

... Và vóc dáng những nhà giàn hôn nay

Đến thăm vùng biển DK1 hôm nay, nhiều người đã thực sự mừng vui khi được chứng kiến những nhà giàn khoe dáng vững trãi giữa trùng khơi. Hệ thống nhà giàn ở các khu vực giờ đây đã trở thành điểm tựa niềm tin cho bà con ngư dân an tâm, vươn khơi bám biển. Ngoài việc khai thác hải sản, bà con còn tích cực phối hợp, góp sức cùng các lực lượng, tạo nên thế trận “quốc phòng toàn dân” trong việc bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Trong chuyến công tác Trường Sa vào trung tuần tháng 5/2017, tôi may mắn được ghé thăm nhà giàn DK1 – Huyền Trân (hay còn gọi là Trạm Kinh tế - Khoa học – Dịch vụ) thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà giàn xây dựng ở vị trí có độ sâu từ mặt san hô lên đến mặt nước biển khoảng 12m. Độ cao từ mặt nước biển tới sân thượng khoảng 15m.

Giàn pin năng lượng trên mái Nhà giàn DK1

 

Nhà giàn có ngọn hải đăng, có kết cấu hiện đại, bền vững cao, nội thất đáp ứng ngày càng hiệu quả cho các hoạt động nghiên cứu, và nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Nhà giàn bây giờ có đủ khả năng chống chọi với những trận siêu bão có sức gió trên cấp 12.

Và câu chuyện với những người làm công tác khí tượng hải văn

Sau khi tranh thủ tham quan khắp lượt nơi ở, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, tôi vượt qua giàn cầu thang kết nối giữa 2 khu nhà giàn để gặp gỡ những cán bộ, nhân viên Trạm Khí tượng hải văn. Trạm hiện có 2 quan trắc viên, có nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và thông báo khí tượng, hải văn không chỉ cho phạm vi quốc gia và cả quốc tế.

Ngồi chuyện trò cùng một số phóng viên báo, đài, quan trắc viên khí tượng hải văn Đỗ Văn Bằng (sinh năm 1979) luôn thể hiện sự niềm nở hiếu khách một cách chân tình. “Có lẽ ấy là tình cảm của những người trong điều kiện công tác biệt lập, có khi thật lâu mới có dịp chuyện trò cùng khách từ đất liền ra thăm” – Tôi thoáng nghĩ.

Quan trắc viên Đỗ văn Bằng (bên trái) tâm sự chuyện nghề với các Nhà báo

 

Với chất giọng rắn rỏi, chắc nịch của người đã có thâm niên 17 năm gắn bó với nghề, với các nhà giàn trên biển, anh tự tin kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống sinh hoạt, công việc chuyên môn hàng ngày của anh em trong trạm.

Anh cho biết, cuộc sống sinh hoạt ở đây tuy còn nhiều khó khăn, nhưng so với vài năm về trước, đã đỡ nhiều lắm rồi. Trạm hiện có 2 anh em, ngoài công tác chuyên môn mang tính độc lập, còn lại việc sinh hoạt: họp hành, và ăn uống hàng ngày đều chung với chiến sĩ Hải quân.

Với nhiệm vụ dự báo khí tượng hải văn tiêu chuẩn phát báo quốc tế, ngày thường, cứ 4 tiếng một lần anh em của trạm làm công việc thu thập số liệu để chuyển về Đài khí tượng thủy văn khu vực. Vào khi mưa bão, biển động, tần suất dày hơn nhiều lần. Mặc định cứ nửa giờ một lần, các quan trắc viên phải leo lên nóc trần giàn, thực hiện thu thập số liệu ngoài trời để  kịp thời dự báo cho đất liền. Đây cũng là những lúc vô cùng hiểm nguy, chỉ cần những sơ suất nhỏ, có thể sóng, gió sẽ hất văng cả người xuống biển.

Cán bộ khí tượng hải văn Nguyễn Văn Dũng ghi chép số liệu thời tiết

 

Nhâm nhi ly trà, hạ giọng, anh Bằng kể cho chúng tôi nghe một chuyện thương tâm đối với một đồng nghiệp ở đảo Trường Sa vào năm 2010. Khi ấy, đồng nghiệp của anh đang làm nhiệm vụ thu thập số liệu hải văn ở cầu cảng Trường Sa dưới trời mưa, gió lớn. Khi anh đang mải mê với công việc, bất ngờ một con sóng lớn đã chồm lên cầu cảng rồi cuốn phăng anh đi mãi mãi...

Sau khoảng lặng bất chợt..., anh tiếp tục kể chúng tôi nghe câu chuyện đã xảy ra với chính mình trong một trận bão vào năm 2013 (nhà giàn DK1/7 khi ấy vẫn còn là nhà giàn cũ). Trước tình thế nhà có nguy cơ bị gió giật đổ, mọi người được lệnh rút khỏi nhà giàn. Vậy là từ cán bộ cho đến chiến sĩ bình tĩnh giúp nhau nhào người xuống biển. Cùng ôm phao, túm dây để giữ vững cự li, thả trôi trên sóng nước trong nhiều giờ để chờ tàu cứu hộ...

Hỏi anh rằng khi ấy có sợ? Anh Bằng bộc bạch: Nếu nói không thì chưa hẳn đã đúng và các anh cũng không tin, mình còn đang trẻ, các con còn nhỏ, cũng sợ chứ nhưng nhiệm vụ được giao, mình phải gắng hoàn thành, không thể bỏ vị trí sớm hơn được. Hơn nữa, bên cạnh mình còn có anh em đồng nghiệp, bộ đội Hải quân, thấy ai cũng vững vàng, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau, nên mình rất an tâm.

“Gắn bó với nghề, với biển đã lâu, bây giờ như đã thấm vào máu rồi! Cho dù có gian khổ, nguy hiểm đến tính mạng thì mình cũng không thể từ bỏ nghề này được!” - Đó là câu nói chân tình của anh Bằng, tôi còn nhớ mãi trước lúc chia tay.

Tạm biệt các chiến sĩ DK 1, những người cán bộ hải văn -  những người làm công việc thầm lặng, tôi mang theo lòng khâm phục. Họ vẫn ngày ngày cần mẫn không quản ngại nắng, mưa, gió, bão... đem lại cho đời cuộc sống bình yên!

Bài và ảnh: T.T

 

*) Khu vực DK1 nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, án ngữ tuyến đường hàng hải chính qua Biển Đông. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng về kinh tế biển. Thuỷ sản ở đây khá phong phú, có hàng trăm loài, giống cá biển với trữ lượng cho phép khai thác hàng trăm ngàn tấn/năm. Đặc biệt, thềm lục địa phía Nam là nơi có tiềm năng dầu khí lớn nhất nước ta. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn số 1 phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Khu vực này nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực cũng như của thế giới, giữ một vai trò rất lớn trong vận chuyển lưu thông hàng hóa thương mại.

Chuyên mục khác