Kỷ vật Trường Sa

11/11/2018 18:00

​Trường Sa thấm đẫm máu xương của biết bao thế hệ cha ông chúng ta hiến dâng để bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển chủ quyền đất nước. Trường Sa là niềm mong ước, là khát khao được đặt chân đến của bao người. Những kỷ vật Trường Sa luôn được nâng niu, trân trọng, là hành trang không thể thiếu trong cuộc đời người lính Trường Sa và cả những ai có dịp đến Trường Sa…

Là một phóng viên, có may mắn được đặt chân đến nhiều vùng đất của Tổ quốc, nhưng chuyến “vượt sóng” ra Trường Sa đầu năm 2018 là một trong những chuyến đi có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm báo của tôi. Cho đến bây giờ - đã gần một năm sau chuyến đi, nhưng những cảm xúc của chuyến đi vẫn vẹn nguyên trong tôi và trong đó có cả những vinh dự tự hào vì mình đã được đặt chân lên quần đảo Trường Sa để nghe tiếng sóng biển vỗ về nơi đảo xa như nhắc nhở các thế hệ nối tiếp hãy chung tay giữ gìn trọn vẹn vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyến đi không chỉ là sự trải nghiệm đáng nhớ mà còn giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về sự hy sinh thầm lặng của người lính hải quân ngày đêm canh giữ bảo vệ sự bình yên cho vùng trời biển đảo quê hương. 

Mang cây bàng vuông từ đảo về đất liền làm quà kỷ niệm. Ảnh: P.N

 

Trong chuyến hải trình này, tôi thực sự ấn tượng hình ảnh những người chiến sĩ nâng niu những kỷ vật ở đảo xa mang về đất liền sau một năm công tác tại đảo, hoàn thành nhiệm vụ trở về. Chiến sĩ Nguyễn Quốc Trí ở đảo Phan Vinh B (20 tuổi, quê Khánh Hòa) vừa cẩn thận nâng niu nhánh cây bàng vuông xuống thuyền vừa tâm sự: Đợt này em hoàn thành nhiệm vụ ra quân trở về quê. Vì vậy em muốn mang cây bàng vuông về trồng trước nhà để hàng ngày được ngắm, được nhìn thấy nó như những ngày còn ở đảo. Em sẽ chăm sóc, coi đó là một kỷ vật quý nhớ về Trường Sa- nơi em đã từng sống, công tác và cống hiến. 

Chiến sĩ Đỗ Tiến Đạt (đảo Núi Le A, năm nay 20 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh) cũng hoàn thành nghĩa vụ của người lính đảo ở Trường Sa, đợt này cũng được trở về với cuộc sống đời thường. Trong suốt một năm công tác ở đảo Núi Le, những lúc rảnh, Đạt lại xuống biển bắt những loại ốc to, đẹp, làm sạch để khi xuất ngũ trở về làm vật kỷ niệm.

Chiến sĩ Đỗ Tiến Đạt tâm sự: Trong thời gian công tác, em đã tìm chọn được hàng chục loại ốc khác nhau để mang về đất liền làm quà kỷ niệm cho bạn bè, anh em. Em sẽ lưu giữ những kỷ vật ấy trong tủ kính gia đình để hàng ngày được nhìn ngắm để hướng về Trường Sa thân yêu.  

Ở Trường Sa, hình ảnh lá cờ Tổ quốc hiên ngang tung bay trước gió đã để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người, với những ai đã đến. Mỗi lá cờ Tổ quốc tung bay trên đảo là niềm tự hào, là lời nhắc nhở những người lính hãy chắc tay súng giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi, nơi đây đã thấm đẫm máu xương của bao thế hệ cha ông và cả của những anh hùng liệt sĩ đã gian khổ, hy sinh gìn giữ. Tôi thật sự xúc động và hiểu thêm những điều thiêng liêng ấy, khi chứng kiến anh Trần Thành- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì biển đảo quê hương- người cùng đi trong chuyến hành trình ra Trường Sa với chúng tôi trân quý, xếp gọn gàng lá cờ Tổ quốc bạc màu trong chiến ba lô. Đó là món quà do chính người lính đảo Trường Sa tặng anh.

Anh Thành tâm sự: Ai cũng biết rằng, trong khi mình đang có một cuộc sống bình yên ở quê nhà, thì ngoài khơi xa kia có biết bao cán bộ, chiến sĩ đang canh ngày, canh đêm, chống chọi với mưa bão, sóng để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Lá cờ Tổ quốc bạc màu bởi nắng gió Trường Sa này, giúp tôi hiểu hơn những khó khăn, gian khổ của người lính đảo. Vì vậy, tôi coi lá cờ này là kỷ vật đặc biệt thiêng liêng và vô giá. Tôi sẽ đặt lá cờ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Và đó là cách tôi tự nhắc nhở mình phải nỗ lực phấn đấu trong công tác nhiều hơn nữa để chung tay, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với chúng tôi, lần đầu được đến với Trường Sa nên ai cũng muốn mang về cho mình một vài kỷ vật của Trường Sa. Sau khi hoàn thành công việc, ai nấy cũng đều tranh thủ dạo quanh đảo để chọn những sản vật gì đó từ biển. Người chọn lấy những con ốc biển nhiều màu sắc, người thì lại chọn những viên đá cuội nhẵn bóng làm đồ vật kỷ niệm cho chuyến đi. Mỗi người một sở thích riêng, kỷ vật không ai giống ai, nhưng tôi nghĩ, tất cả trong đó là một tình yêu vô bờ bến của những người đặt chân đến đây đã dành cho Trường Sa

Anh Lê Xuân Sáng- Đài TT-TH huyện Đăk Hà tâm sự: Đây là lần đầu tiên tôi được ra thăm quần đảo Trường Sa. Vì vậy, tôi muốn mang về đất liền những món quà nhỏ làm kỷ vật cho của chuyến đi. Những con ốc, viên đá hay những hạt bàng vuông là những món quà đơn sơ của biển, nhưng với tôi đều trở nên vô giá. Tôi sẽ luôn giữ và trân trọng những kỷ vật ấy… 

Nhánh hoa ốc biển được người lính Trường Sa làm quà tặng cho khách đến thăm đảo. Ảnh: P.N

 

Anh Nguyễn Tiến Định- Báo Quân đội nhân dân cũng đi trong chuyến hải trình này tâm sự: Đến các điểm đảo, tôi đều muốn tự tay bắt những con ốc biển, nghêu biển mang về đất liền làm vật kỷ niệm cho chuyến đi đầy ý nghĩa này.

“Mình nghĩ hoa hồng thật có vẻ đẹp và mùi hương mà bất kỳ ai cũng có cơ hội để ngắm nhìn và cảm nhận, nhưng nhành hoa hồng làm bằng ốc được các chiến sĩ ở đảo làm ra lại mang 1 vẻ đẹp riêng. Đó là vẻ đẹp của chính con ốc, vị mặn của mồ hôi áo lính hòa quyện nơi biển cả bao la mà không phải ai cũng có cơ hội để cảm nhận…”- Anh Đỗ Khánh Vân- Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, người cùng đi trong chuyến hải trình này với tôi tâm sự. 

Ở Trường Sa có nhiều loại ốc có vỏ óng ánh, rất đẹp, nhất là ốc tai tượng và ốc tù và. Những người lính hải quân lặn lội bắt những con ốc đẹp, rửa sạch ruột, phơi khô, để khi có những đoàn khách đến thăm họ lấy đó làm món quà gửi về đất liền. Ngoài hoa hồng bằng ốc, thì vỏ ốc đẹp hay cây bàng vuông con được chiết từ cành cây bàng vuông to, hay hạt bàng vuông là những “đặc sản” mà người lính đảo Trường Sa dành tặng cho khách đến thăm và gửi về cho người thân, bạn bè ở đất liền.

Những món quà ấy, tôi và các anh em trong đoàn công tác đến với Trường Sa luôn trân quý như kỷ vật thiêng liêng, bởi ở đó chứa đựng tấm lòng, tình cảm và cả sự vất vả, hy sinh  của những người lính hải quân nơi đảo xa đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho đất nước...

Tôi nghĩ, những kỷ vật Trường Sa đã nói với chúng ta bằng “ngôn ngữ không lời” về tình yêu và về những điều thiêng liêng với Trường Sa, với từng vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc!         

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác