Hun đúc tình yêu biển đảo quê hương trong học sinh

09/10/2016 09:22

Việc tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học là một trong những hoạt động có ý nghĩa lớn, qua đó khơi gợi lòng yêu nước của học sinh, giúp các em nhận thức đúng về vai trò của biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc, trách nhiệm của công dân...

Giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và lòng yêu nước cho học sinh là một trong những nội dung luôn được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Mỗi trường có những giải pháp, cách làm khác nhau, nhưng tất cả đã tạo sự hứng thú trong học tập, thu hút học sinh tham gia tìm hiểu, học tập, qua đó góp phần hun đúc thêm tình yêu biển đảo quê hương trong thế hệ trẻ.

Trường THCS Nguyễn Huệ (thành phố Kon Tum) là một trong những trường có cách làm độc đáo để nâng cao kiến thức, tình yêu biển đảo cho học sinh. Ngoài việc giáo dục kiến thức về chủ quyền biển đảo, sự giàu đẹp của biển cho học sinh thông qua việc tích hợp với nội dung sách giáo khoa trong những bộ môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khoá; tổ chức hội thi ý tưởng thiết kế, làm mô hình biển đảo Việt Nam cho toàn thể học sinh nhà trường tham gia; trưng bày các hiện vật biểu trưng cho chủ quyền của Việt Nam.

Qua các hoạt động này, nhà trường đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, khuyến khích các em phát huy tính sáng tạo. Đặc biệt, từ đó, nhà trường đã giáo dục học sinh nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia và nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo Việt Nam; bổ sung thêm thông tin và nâng cao hiểu biết cho các em về tiềm năng, mức độ khai thác và sự cần thiết phải khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Học sinh trường THCS Đăk Rờ Ve hứng thú với giờ học về biển đảo dưới cột mốc Trường Sa. Ảnh: T.H

 

Trường THCS Đăk Rờ Ve (huyện Kon Rẫy) có cách làm riêng để giáo dục, nâng cao nhận thức, tình yêu biển đảo cho học sinh. Không chỉ dạy trong sách vở, trên bản đồ; để học sinh có hình ảnh trực quan về biển đảo, luôn nhắc nhở các em về trách nhiệm của mình với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, năm học 2015 – 2016, nhà trường đã vận động phụ huynh học sinh, giáo viên đóng góp xây dựng mô hình Cột mốc Trường Sa với tổng kinh phí xây dựng hơn 30 triệu đồng.

Công trình mô phỏng dựa trên khuôn mẫu của Cột mốc Trường Sa tại đảo Trường Sa (thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Công trình được cả phụ huynh, học sinh hào hứng đón nhận và trân trọng.

Thầy Lương Tấn Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Mô hình “Cột mốc Trường Sa” như biểu tượng thiêng liêng về tinh thần tất cả vì “Biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” của thầy và trò nhà trường. Đây là hình ảnh để nhà trường giáo dục cho các thế hệ học sinh về lòng yêu nước, thắp lửa cho các thế hệ học sinh truyền thống của cha ông, ý chí quyết tâm giữ nước và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, với việc xây dựng mô hình này giữa khuôn viên nhà trường, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng dù ở tận Tây Nguyên, nhưng trong trái tim của mỗi thầy trò, Trường Sa và những người đang ngày đêm canh giữ vùng biển và hải đảo thân yêu luôn ở bên.

Mỗi trường học một cách tuyên truyền, giáo dục; nhưng tất cả đã góp phần hun đúc tình yêu biển đảo quê hương trong học sinh. Những giờ học bằng sách vở hay kể cả không dùng sách vở nhưng luôn thu hút được học sinh tham gia, giúp các em có nhận thức đúng về chủ quyền đất trời, biển đảo quê hương và có suy nghĩ, hành động thiết thực để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Theo Sở GD&ĐT Kon Tum, nội dung giáo dục tình yêu, chủ quyền biển đảo được triển khai rộng rãi đối với tất cả các trường, bậc học với những biện pháp linh hoạt, phù hợp với từng cấp học, độ tuổi học sinh.

Đối với bậc mầm non, các trường bước đầu giới thiệu cho trẻ biết về biển đảo, các loài sinh vật phổ biến sống ở biển. Ở bậc tiểu học, các em được cung cấp kiến thức về biển đảo một cách nhẹ nhàng qua những hình ảnh đẹp và trực quan giới thiệu về phong cảnh, tài nguyên biển đảo, kèm theo những câu chuyện về các bậc cha ông, chiến sĩ đã tham gia bảo vệ biển đảo, biên giới.

Đối với bậc THCS và THPT, các trường chú trọng cung cấp cho học sinh những khái niệm, thuật ngữ liên quan về chủ quyền biển đảo như: đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, những tư liệu khẳng định bằng chứng về chủ quyền biển đảo Việt Nam...

Đặc biệt, ở bậc THPT, các trường còn dạy sâu thêm pháp luật về biển, thực trạng tranh chấp Biển Đông, xây dựng và phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển đảo; quan điểm của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Qua đó, các em sẽ nhận thức được tình yêu Tổ quốc một cách đúng đắn.

Các nội dung giáo dục về biển đảo đã được tổ chức Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên quan tâm lồng ghép trong hoạt động ngoại khóa cho đoàn viên, đội viên, thanh niên, học sinh; triển khai có hiệu quả chương trình “Góp đá xây Trường Sa”; tổ chức các hoạt động truyền thông trong nhà trường như đăng bài viết về chủ đề biển đảo trên website, báo tường, xây dựng mô hình biển đảo, treo bản đồ biển đảo.

Đặc biệt, các trường đã chủ động tích hợp giảng dạy nội dung lãnh thổ chủ quyền, kinh tế  biển đảo và giáo dục tình yêu, chủ quyền biển đảo ở một số môn học: Tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử- Địa lí, Tự nhiên xã hội (bậc tiểu học); Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Ngữ văn (bậc trung học); đưa nội dung biển đảo và chủ quyền biển đảo vào các đề kiểm tra thường xuyên và định kì ở các môn học có liên quan…

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, sau 4 năm thực hiện, kiến thức của học sinh về biển đảo đã được nâng lên, tình yêu biển đảo và ý thức về chủ quyền biển đảo của học sinh cũng được bồi đắp, khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu biển đảo quê hương.

Học sinh ở bậc học phổ thông đã nhận thức được bổn phận, trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc không để kẻ xấu lợi dụng, kích động làm những việc quá khích, không bị các thế lực thù địch lôi kéo gây mất trật tự an toàn xã hội, gây tổn hại đến lợi ích và hình ảnh đất nước.

Việc tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển đảo trong trường học là một trong những hoạt động có ý nghĩa lớn, qua đó khơi gợi lòng yêu nước của học sinh, giúp các em nhận thức đúng về vai trò của biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc, trách nhiệm của công dân. Từ đó, các em sẽ có động cơ học tập tốt và có suy nghĩ, hành động đúng đắn để góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác