Hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh

30/05/2018 07:02

​Đảo Phan Vinh là đảo đầu tiên trong hải trình đến với 12 điểm đảo ở quần đảo Trường Sa mà chúng tôi được đặt chân đến vào những ngày đầu năm 2018. Khi ấy, dấu vết tàn phá của cơn bão Tembin vẫn còn hiện hữu, nhưng chúng tôi được chứng kiến ở nơi đây sức sống mãnh liệt của một hòn đảo mang tên người con kiên trung của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió...

40 năm hòn đảo anh hùng

Đảo Phan Vinh trước đây có tên gọi là Hòn Sập, nằm cách cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng 600km) về phía đông. Đảo gồm 2 điểm đảo: Phan Vinh A và Phan Vinh B.

Đảo Phan Vinh A nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc, còn Phan Vinh B nằm ở phía tây.

Đảo Phan Vinh. Ảnh: V.P

 

Phan Vinh là một trong những hòn đảo có vị trí quan trọng trong vành đai thế trận đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa. Đảo mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh - Thuyền trưởng những con tàu không số đã anh dũng hi sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh quê ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Trong một lần vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam năm 1968, tàu bị địch tập kích bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí thả khói mù, cho tàu đến đúng vị trí bến quy định thuộc xã Ninh Phước (Ninh Hòa - Khánh Hòa) thả hàng xuống biển sau đó nhanh chóng cho tàu sang vùng biển xã Ninh Vân (Ninh Hòa - Khánh Hòa) để đánh lạc hướng kẻ thù, không để lộ vị trí thả hàng, bảo đảm an toàn cho anh em ra vớt hàng sau đó.

Sau khi cho anh em vào bờ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng thượng sĩ cơ điện Ngô Văn Thứ ở lại trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ để hủy tàu rồi mới rời tàu. Sau đó, hai anh đã chiến đấu anh dũng đến khi hết đạn và dành quả lựu đạn cuối cùng cho mình, quyết không sa vào tay địch.

Trận chiến đấu ngoan cường ấy đã trở thành điểm son trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam. Sự hi sinh anh dũng trở thành bất tử trong lòng những người lính biển. Năm 1970, Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lịch sử ghi lại, đầu năm 1978, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp. Âm mưu của nhiều nước lăm le chiếm cứ một số đảo. Quân chủng Hải quân, đặc biệt với sự tinh nhạy quyết đoán của Tư lệnh Đô đốc Giáp Văn Cương đã quyết định nhanh chóng việc tổ chức lực lượng đóng giữ các đảo, trong đó có Hòn Sập. Cũng chính thời điểm này, để tôn vinh chiến công của người anh hùng Nguyễn Phan Vinh và phát huy truyền thống vẻ vang của những chiến sĩ trên mặt trận đường Hồ Chí Minh trên biển, Quân chủng Hải quân quyết định đặt tên Hòn Sập là đảo Phan Vinh.

Tiếp nối truyền thống người anh hùng

Từ ngày được đổi tên thành đảo Phan Vinh nay đã 40 năm, cán bộ chiến sĩ Hải quân đảo Phan Vinh đã và đang viết tiếp truyền thống hào hùng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những người lính trên đảo luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo, tích cực, sáng tạo tăng gia sản xuất, làm tốt công tác dân vận...

Trao đổi với chúng tôi, hạ sĩ Phạm Đình Chương (quê Quảng Ngãi, đóng quân tại đảo Phan Vinh) chia sẻ: Đến Trường Sa đã là niềm mơ ước của tôi từ ngày nhỏ. Và khi trở thành một phần của hòn đảo mang tên người anh hùng Phan Vinh thì niềm tự hào càng lớn hơn, càng muốn gắn bó và cống hiến nhiều hơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn đoàn kết yêu thương, chia sẻ trách nhiệm, xem đảo là nhà, đồng đội là anh em, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chúng tôi nguyện vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương.

Cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh khắc phục hậu quả cơn bão. Ảnh: V.P

 

“Viết tiếp trang sử hào hùng của đoàn tàu không số năm xưa, cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh nối dài thêm chiến công của thế hệ cha anh đã đi trước. Đặc biệt, từ năm 2015 khi được nâng lên đảo cấp 1, liên tục 3 năm đảo được công nhận là đơn vị quyết thắng. Hai lần được nhận Bằng khen của Bộ Tổng tham mưu, 4 cá nhân và tập thể nhận được giấy khen của Chính ủy Quân chủng do đạt những thành tích xuất sắc trong quá trình huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Hàng năm, đảo thường xuyên đạt đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức đảng trong sạch vững mạnh” - thượng tá Lê Đình Xuyên - Đảo trưởng đảo Phan Vinh cho biết.

Còn theo chính trị viên đảo Phan Vinh - thượng tá Phạm Văn Thường, ngoài việc giữ vững vùng biển đảo của quê hương, anh em cán bộ, chiến sĩ của đảo luôn làm tốt công tác dân vận, xây dựng đảo trở thành điểm tựa tin cậy của ngư dân trong quá trình bám biển. Năm 2017, cán bộ, chiến sĩ của đảo đã hướng dẫn nhiều lượt ngư dân tránh trú bão, tiếp đón 32 lượt ngư dân đến khám chữa bệnh và thực hiện rất tốt công tác cứu hộ cứu nạn. Bên cạnh đó, đảo còn thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Luật Biển giúp nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, an ninh, chủ quyền biển đảo, khai thác hợp lý, duy trì và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau.

Cuối năm 2017, mặc dù nằm trọn trong tâm bão số 16 rất mạnh, nhưng với sự chủ động, kiên cường chống chọi với thiên tai, toàn bộ tài sản, vũ khí và con người trên đảo Phan Vinh được bảo vệ an toàn. Những vườn rau xanh bị bão tàn phá cũng đang lên mầm xanh như sức sống kiên cường của người lính Hải quân. Cũng từ thành tích ấy, đảo Phan Vinh vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa trao tặng.

40 năm xây dựng và phát triển, phát huy truyền thống vẻ vang của những chiến sĩ kiên trung trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đảo Phan Vinh luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, kiên cường, hiên ngang giữa biển khơi.

Văn Phương 

Chuyên mục khác