Hành trình tới đảo Len Đao

07/06/2017 06:26

Sau khi tạm biệt Song Tử Tây - đảo đầu tiên mà đoàn công tác tàu KN491 đã lên thăm, ngày 10/5, tàu chở đoàn công tác thăm đảo Đá Thị, đảo Sơn Ca và tiếp tục hành trình tới đảo Len Đao.

Trên hành trình tới đảo Len Đao, khoảng 16h20’ ngày 10/5, chúng tôi đi ngang qua đảo Nam Yết, là đảo Hải quân ta đang đóng quân, nhưng theo lịch trình không ghé thăm đảo này, nên mọi người chỉ nhìn thấy từ xa chừng non hải lý mà thấy chạnh lòng, bâng khuâng...

Khoảng 17h, buồng lái thông báo có đàn cá heo đang đùa giỡn, rượt theo  con tàu, vậy là cả tầu chộn rộn. Người có mặt ở vị trí này từ trước, hoặc người nhanh chân có mặt kịp thời, đã quay phim và chụp được nhiều bức hình về những chú cá nhào lộn.

Tôi từ cuối tàu chạy vội lên, nhưng đã quá trễ, đành ôm thất vọng. Thấy vậy, anh bạn đồng nghiệp đang khoe những tấm hình vừa chụp được với mọi người đã an ủi, gửi cho tôi tấm hình cảnh bay lên khỏi nước của hai chú cá heo rất đẹp để làm kỷ niệm.

Cá heo nô đùa trước mũi tàu KN491

 

Nhớ lại những ngày trên tàu, những khi tàu thả neo dừng nghỉ, các thủy thủ và nhiều người trong đoàn vẫn tranh thủ câu cá giải trí. Nhiều người câu được những con cá thật to cả đôi ba ký, nhưng cũng không ít người câu theo phong trào là chính - ví như mấy anh em trong đoàn công tác chúng tôi: Chủ yếu là ngồi “bó gối, trông cần”, hoặc giả là gỡ cước rối cả buổi do còn “non nghề” mà lưỡi câu của người này cứ bị kết chùm vào cước của người kia. Mồi câu thì thật nhiều, chỉ cần một vợt có cán dài và đứng dưới ánh đèn của tầu hắt sáng trên mặt nước chừng vài chục phút vợt là có thể được đôi ký cá kìm, mỗi con to chừng ngón tay cái, màu trắng bạc và dài ngoằng như những con lươn.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học, biển Đông có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, bao gồm cả tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật, tài nguyên trong khối nước, trên đáy và trong lòng đất dưới đáy biển. Biển Việt Nam có tới 11.000 loài sinh vật thủy sinh, trong đó có hơn 2.000 loài cá và nhiều loài sinh vật quý hiếm khác.

Nói riêng nguồn lợi về cá, đánh giá các năm gần đây cho thấy trữ lượng cá nổi đóng vai trò rất lớn, ước khoảng 2.744.900 tấn (chiếm trên 54% tổng trữ lượng cá) và khả năng khai thác là 1.372.400 tấn. Tiềm năng nguồn lợi hải sản của nước ta là rất lớn, nhưng về hiện tại thì khả năng khai thác vẫn còn nhiều hạn chế, kể cả việc đánh bắt cũng như nuôi trồng hải sản.

Cá do chiến sĩ Trường Sa đánh bắt tặng tàu KN491

 

Một thế mạnh khác, biển Việt Nam Nam hoàn toàn nằm trong vùng nhiệt đới, có diện tích rộng khoảng 3,5 triệu km2, quanh năm nước không đóng băng, lại ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực và thế giới, nên rất có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông, thương mại...

Có lẽ chính vì tầm quan trọng của biển Việt Nam mà tại buổi họp báo trên tàu KN 491 cách đây vài hôm, Thiếu tướng Đoàn Văn Chiều - Chuẩn Đô đốc Hải quân khi phát biểu trước báo giới, đã nhiều lần nhấn mạnh về sự phong phú, giàu có và tầm chiến lược quan trọng của vùng biển mà đoàn công tác sắp tới.

Sáng sớm 11/5, tàu ngang qua đảo Gạc Ma, nơi mà 29 năm về trước (ngày 14/3/1988) tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công các tàu vận tải và chiến sĩ công binh của ta đang làm nhiệm vụ ở bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao khiến 3 tàu vận tải của ta bị bắn chìm, bắn hỏng, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và 11 chiến sĩ bị thương. Kể từ đó, Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép đảo của ta cho đến tận bây giờ.

Tại vùng biển Gạc Ma này, tàu đã thả neo làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì chủ quyền biển đảo quê hương trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí đồng đội, và các đại biểu trong đoàn công tác.

Cùng trong buổi sáng này, tàu đưa các đại biểu lên thăm đảo Len Đao (cách Gạc Ma hơn 5 hải lý). Trời hôm ấy biển động, có nhiều sóng to và gió lớn nên việc chuyên chở người và hàng hóa vào đảo gặp nhiều khó khăn.

Đảo Len Đao nhìn từ xa

 

Đảo Len Đao là một rạn san hô cách xã đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa khoảng 6,5 hải lý. Đảo được hình thành từ bãi san hô có dạng hình tròn, khi thủy triều xuống bãi san hô nhô lên khoảng 0,5m, khi thủy triều lên bãi ngập khoảng 1,8m. Hiện nay đảo Len Đao đã được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, huấn luyện của cán bộ chiến sĩ.

Các đại biểu lên thăm đảo Len Đao

 

Vừa từ ca nô bước lên đảo, còn đang bỡ ngỡ chưa xác định được hướng đi, nhưng tức thì chúng tôi được Trung úy Nguyễn Văn Minh (quê Quảng Bình) niềm nở dẫn lối lần lượt lên các tầng tham quan nơi ở và làm việc của cán bộ chiến sĩ.

Hỏi thăm về đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Trung úy Minh cho biết: So với trước đây, đời sống bây giờ đã được cải thiện đáng kể. Đảo đã có trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam nên các thông tin thời sự, các chương trình về văn hóa, xã hội được cập nhật kịp thời, thường xuyên, ngoài ra đảo còn có cả thư viện với gần cả nghìn đầu sách báo các loại.

Dù khuôn viên chật hẹp, nhưng các chiến sĩ vẫn luôn tận dụng từng chút không gian để trồng rau, trồng hoa và cây cảnh. Ngay khi lên tầng 2 của nhà đảo, chúng tôi thấy cả một khu “vườn” hoa thanh niên được trồng trong các chậu xi măng với rất nhiều loại hoa đang đua nhau khoe sắc, trông thật bắt mắt.

Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên đảo Len Đao

 

Khi gặp gỡ chiến sĩ trẻ vừa hết ca trực gác - Đoàn Minh Long, nhập ngũ năm 2015, mới ra đảo tháng 7/2016, tôi hỏi về tâm trạng khi mới ra nhận nhiệm vụ tại đảo, Long tâm sự: Mới đầu cũng nhớ đất liền lắm, xung quanh là nước không biết đi đâu. Nhưng giờ thì quen rồi, ở đây từ cán bộ đến chiến sĩ, mỗi người một quê, nhưng ai cũng quan tâm, yêu quý nhau như anh em ruột thịt.

Hỏi, có kỷ niệm nào nhớ nhất? Chiến sĩ Long kể: Hồi ra đảo chưa đầy một tháng là vào đúng sinh nhật - ngày 10/8, được thủ trưởng hỏi han động viên, được cả đảo tổ chức sinh nhật - tâm trạng thật bâng khuâng và xúc động. Không nghĩ rằng mình lại có sinh nhật vui, ấm cúng đến thế của người lính giữa trùng khơi mênh mông.

Đến Len Đao, chúng tôi thật cảm phục tinh thần của những người lính đảo anh dũng kiên cường, đang tiếp tục truyền thống của lớp người đi trước. Họ luôn yêu đời, tự tin, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong mọi hoàn cảnh để làm tròn nhiệm vụ của người lính biển.

Cùng với đảo Cô Lin, Len Đao vẫn đang vững vàng trên sóng gió, hướng về Gạc Ma với tinh thần cảnh giác cao độ, nơi thế hệ cha anh đã ngã xuống trong trận hải chiến không cân sức với kẻ thù dã tâm thâm độc. Xác định tầm quan trọng của đảo, cán bộ chiến sĩ hôm nay luôn vững vàng chắc tay súng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam thân yêu.

Bài và ảnh: TT

Chuyên mục khác